Phóng viên VOV phỏng vấn Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh.
Chúng ta đã bước sang năm thứ tư thực hiện Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020. Ngân sách Nhà nước được sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao là điều dư luận hết sức quan tâm. Một trong những kết quả đáng mừng trong năm qua là bội chi đã được kiểm soát ở mức dưới 3,6% GDP, dưới “trần” Quốc hội giao. Vậy vai trò của cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) được thể hiện như thế nào để Quốc hội có cơ sở quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến ngân sách, thưa ông?
Là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN luôn xác định nhiệm vụ tham gia, trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng; góp phần đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc quản lý, sử dụng ngân sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, đảm bảo tính bền vững ngân sách. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với KTNN khi được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cử tri cả nước luôn luôn quan tâm, tin tưởng trong việc thực hiện các chức năng quản lý, giám sát vĩ mô nền tài chính Quốc gia.
Ông có thể phân tích cụ thể hơn về vai trò này của KTNN trong quyết định của Quốc hội về Dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm?
Trong các năm qua, KTNN đã chủ động và tích cực tham gia các phiên thảo luận dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) do Bộ Tài chính tổ chức, các phiên thẩm tra dự toán NSNN của các Ủy ban của Quốc hộị. Đặc biệt từ khi thực hiện Luật KTNN năm 2015, KTNN đã có Báo cáo ý kiến của KTNN về đánh giá tình hình thực hiện NSNN, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương hàng năm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội làm tài liệu để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương. Các ý kiến của KTNN đã cung cấp góc nhìn đa chiều, thông tin chi tiết và cụ thể giúp các Đại biểu Quốc hội có thêm căn cứ trong việc xem xét, quyết định Dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương được tiết kiệm và hiệu quả.
Đối với nhiệm vụ kiểm toán quyết toán NSNN, hàng năm KTNN đều tổ chức Đoàn kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính với quy mô lớn; nhân lực Đoàn kiểm toán được chọn lựa là các kiểm toán viên có trình độ chuyên môn sâu từ các đơn vị trong ngành để thực hiện kiểm toán. Kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN hàng năm được Tổng KTNN trình bày trước Quốc hội và luôn được các Đại biểu Quốc hội quan tâm, xem xét trong quá trình phê chuẩn quyết toán NSNN.
Ông nhận định về sử dụng ngân sách của các địa phương, Bộ, ngành những năm gần đây đã có chuyển biến thế nào?
Kết quả sau kiểm toán đã tăng thu, giảm chi cho ngân sách, đồng thời có những kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Năm 2018, chúng tôi hoàn thành 253 cuộc kiểm toán, đạt 100% kế hoạch. Sau các kiến nghị của KTNN, các đơn vị sử dụng ngân sách đã tuân thủ nghiêm túc. Những sai sót về văn bản, chứng từ… đã được khắc phục cơ bản. Chúng tôi đánh giá đã thực hiện được khoảng hơn 70% số kiến nghị. Còn những lý do khác, từ nguyên nhân khách quan và chủ quan mà các đơn vị chưa thực hiện được, thì chúng tôi kết hợp thảo luận, phân tích để tìm ra giải pháp nâng cao tính tuân thủ, các đơn vị thực hiện tốt hơn những kiến nghị của KTNN.
Năm 2018, thành công lớn của KTNN là đã tổ chức thành công ĐH ASOSAI 14. Chủ đề nổi bật của ĐH là Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững. Tổng KTNN được bầu là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. VN đã có cam kết mạnh mẽ về thúc đẩy hợp tác, nâng cao hiệu quả kiểm toán môi trường. Xin ông cho biết ý nghĩa của việc đẩy mạnh kiểm toán môi trường giai đoạn này?
Vấn đề môi trường và phát triển bền vững đang được hầu hết các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm, vì môi trường có vị trí và vai trò vô cùng to lớn đối với cuộc sống hàng ngày, sự tồn tại và phát triển của một quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ, bùng nổ dân số dẫn đến việc khai thác - sử dụng quá mức các tài nguyên thiên nhiên vốn hữu hạn, thải ra môi trường một khối lượng chất thải khổng lồ, quá sức chịu đựng của trái đất.
Các quốc gia đã lựa chọn công cụ Kiểm toán môi trường để thực hiện quá trình kiểm tra, giám sát độc lập đối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Trên thực tế, kiểm toán môi trường đã được nhiều cơ quan kiểm toán tối cao (các SAI) trên thế giới triển khai thực hiện gần 30 năm nay.
Năm 2018, KTNN Việt Nam tổ chức thành công Đại hội các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. Với vai trò là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm toán môi trường đối với sự phát triển bền vững, qua đó yêu cầu các SAI tập trung trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp tiếp cận để triển khai một cách đồng bộ, từ đó đẩy mạnh sự phối hợp, hợp tác giữa các SAI trong việc tổ chức thực hiện những cuộc kiểm toán chung về môi trường mà các SAI cùng quan tâm.
Tập trung kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững cũng là thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Vì vậy, trong 2 năm qua, chúng tôi đã thực hiện 18 cuộc kiểm toán chuyên đề về môi trường. Năm 2019, tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán môi trường, trong đó chú trọng kiểm toán việc quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016 - 2018.
Kiểm toán môi trường là lĩnh vực mới, khó. Chúng ta sẽ gặp những thách thức gì trong quá trình này?
Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy các cuộc kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực môi trường bước đầu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực trong công tác quản lý môi trường của các cơ quan quản lý (Bộ, ngành, địa phương). Qua đó đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bất cập trong các văn bản pháp luật, văn bản quản lý điều hành để từ đó đưa ra những kiến nghị nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, bổ sung sửa đổi văn bản kịp thời nhằm quản lý môi trường, bảo vệ môi trường.
Có thể chỉ ra sự chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường về yêu cầu/quy định liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khi cấp giấy phép đầu tư; Công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường; Chậm ban hành các văn bản, hướng dẫn, trình tự, thủ tục liên quan đến kiểm kê khí thải công nghiệp, cấp giấy phép xả khí thải công nghiệp để có sự quan lý chặt chẽ đối với các đơn vị trên phạm vi cả nước; Chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường còn hạn chế và hình thức; Công tác thanh tra, kiểm tra chưa hiệu lực, hiệu quả, chưa đủ mạnh và chưa có tính răn đe, ngăn ngừa trong việc xử lý các đơn vị không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường; Một số văn bản quy định đối với sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu túi ni lông còn bất cập và hạn chế…
Từ đó đói hỏi sự phối hợp đồng bộ, liên ngành, hoàn thiện cơ sở pháp luật, tài liệu kiểm toán môi trường cùng công tác xây dựng kế hoạch dài hạn về kiểm toán môi trường. Đồng thời, một giải pháp hết sức quan trọng là tuyên truyền, phổ biến công khai kết quả kiểm toán hàng năm lên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao trách nhiệm giải trình và giám sát của người dân...
Thưa ông, KTNN đã ban hành kế hoạch kiểm toán 2019 từ rất sớm, trong đó có những nhóm vấn đề nổi bật, được dư luận quan tâm như các cuộc kiểm toán môi trường, kiểm toán chuyên đề về quản lý thu thuế xuất nhập khẩu, dự án đầu tư theo hình thức BT.... Xin ông cho biết trọng tâm nâng cao chất lượng kiểm toán, giảm chồng chéo trong thời gian tới như thế nào?
Năm 2019, KTNN xác định mục tiêu: “Tăng cường tính minh bạch trong xác định, lựa chọn đầu mối, đơn vị, dự án được kiểm toán nhằm phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan chức năng khác để tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và kiểm toán”.
Từ định hướng này, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng trong giai đoạn xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm và xây dựng danh mục chi tiết đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán năm 2019 nhằm tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán.
Sau khi làm việc, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo số 1704/TC-TTCP ngày 05/10/2018 để hướng dẫn các đơn vị thanh tra chuyên ngành, thanh tra địa phương xử lý các vấn đề chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán nhằm đảm bảo trong một năm không kiểm tra, thanh tra hoặc kiểm toán quá một lần tại một đơn vị về cùng một nội dung.
Tại cuộc họp Tổng kết 3 năm công tác phối hợp giữa KTNN và Thanh tra chính phủ mới đây, đã nhìn nhận kết quả phối hợp mang lại hiệu quả tích cực, và 2 cơ quan tiếp tục có chương trình phối hợp chặt chẽ hơn để giảm thiểu trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Triển khai Kế hoạch kiểm toán năm 2019, Tổng KTNN cũng đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, giảm chồng chéo trong hoạt động kiểm toán, cụ thể như:
Thứ nhất, Tổng KTNN đã ban hành Thông báo số 1881/TB-KTNN ngày 28/12/2018 về Danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán của các cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2019 của KTNN để tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động kiểm toán, tránh trùng lặp, chồng chéo.
Thứ hai, thực hiện lồng ghép, phối hợp các nội dung, hoạt động kiểm toán được triển khai cùng tại một đầu mối đơn vị (bộ, cơ quan trung ương và địa phương) để giảm thiểu tác động và ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến các hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Thứ ba, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; triển khai đồng bộ các giải pháp, kỹ thuật kiểm toán theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là kiểm toán dựa trên đánh giá trọng yếu, rủi ro và chọn mẫu kiểm toán... nhằm rút ngắn thời gian kiểm toán và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.
Thưa ông, trong giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán mà ông vừa nhắc tới, có giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Và chất lượng nhân lực kiểm toán là yếu tố quan trọng, quyết định tới chất lượng kiểm toán. Theo ông, vấn đề này sẽ được tập trung ra sao?
Tôi cho rằng điểm mấu chốt vẫn là con người. Giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán là chúng tôi đào tạo thường xuyên đội ngũ kiểm toán viên để cập nhật những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập thời đại 4.0, như kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin. Đồng thời, trong công tác tuyển dụng thì chặt chẽ từ đầu vào để tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng, là chúng tôi tăng cường giám sát quá trình kiểm toán, giám sát nội bộ, có đánh giá chấm điểm, để bảo đảm đội ngũ thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán, thực hiện nghiêm Công điện của Tổng KTNN về nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm trong thực thi công vụ và tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Diệu thực hiện
Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành 253 cuộc kiểm toán, đạt 100% theo kế hoạch. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 89 nghìn 600 tỷ đồng, riêng kiến nghị về tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước là hơn 44 nghìn 400 tỷ đồng.
Qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 115 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, cơ chế quản lý, hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghệ cao; việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA.
|