Đánh thuế bất động sản 'bỏ hoang' để chặn đầu cơ, tránh lãng phí?

Theo ý kiến của các chuyên gia, đây là một đề xuất khá 'táo bạo' của Hà Nội, nhưng việc xử lý các dự án này là rất cần thiết.

 

Hiện nay, tại Thủ đô Hà Nội và khu vực lân cận đang tồn tại nhiều dự án bất động sản bỏ hoang, từ chung cư, nhà liền kề đến các biệt thự có giá lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi căn. Có rất nhiều lý do dẫn đến việc chậm đưa vào sử dụng, nhưng có một điểm chung là các bất động sản bỏ hoang này đang làm xấu hình ảnh đô thị, lãng phí tài nguyên và tạo ra sự bức xúc trong nhân dân. Mới đây, Hà Nội đã đề xuất đánh thuế đối với các bất động sản bỏ hoang này. Đề xuất ngay lập tức gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận.

Điểm du lịch sinh thái Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội là một trong những dự án được phê duyệt tại thời điểm tỉnh Hà Tây chuẩn bị được sáp nhập với Hà Nội. Tại “điểm du lịch” này đã có đến 147 căn biệt thự được xây dựng từ 3-4 tầng với diện tích từ 250-500m2.

Theo quy hoạch, khu biệt thự này sẽ là vị trí trung tâm của quận Hoài Đức trong tương lai, với nhiều tuyến đường kết nối với các đô thị hiện hữu, trong đó có khu An Khánh. Mức giá hiện tại đã lên đến cả chục tỷ mỗi căn. Thế nhưng, sau hơn 10 năm xây dựng khu biệt thự này vẫn không có người ở và trở nên hoang tàn.

Điều đáng nói là chỉ trong vòng bán kính 10 Km quanh khu vực này, có đến hàng chục khu biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang từ 5-10 năm nay như Khu đô thị Nam An Khánh, Khu đô thị Vân Canh, Khu đô thị Ledico (huyện Hoài Đức), Khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm)…

Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, những bất động sản để bỏ hoang nhiều năm theo quy định phải đánh thuế, nhưng đánh thuế ở mức độ nào thì cần xem xét kỹ. Đánh thuế như thế nào để người ta chịu được nhưng phải đưa của cải vật chất này vào phục vụ cho xã hội.

“Không để tình trạng hiện nay rất nhiều nơi như Đức Giang, Gia Lâm, Bắc Ninh hay khu vực Hà Tây cũ rồi Vĩnh Phúc, Hưng Yên tồn tại hàng loạt bất động sản bỏ hoang. Tôi cho rằng, lẽ ra việc này ta phải làm từ lâu rồi”, ông Phú nêu quan điểm.

Theo đề xuất của TP Hà Nội, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau 1 năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị. Bên cạnh đó, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Theo ý kiến của các chuyên gia, đây là một đề xuất khá “táo bạo” của Hà Nội, nhưng việc xử lý đối với các dự án này là rất cần thiết.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, các bất động sản như biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, nhếch nhác, thậm chí trở thành tụ điểm của các phần tử xấu, các tệ nạn xã hội. Vì vậy, làm thế nào để đưa những tài sản đó vào sử dụng và phát huy hiệu quả là vấn đề quan trọng.

“Có ý kiến cho rằng, họ có tiền họ đầu tư thì việc có sử dụng hay không là việc của họ. Nhưng ta phải nhìn thấy một vấn đề là sự nhếch nhác, mất an ninh, an toàn của đô thị là vấn đề lớn. Đây cũng là nguồn lực của xã hội mà cần thiết phải đem lại hiệu quả để làm cho nguồn vốn của xã hội được sử dụng một cách tốt nhất. Tôi cho rằng đề xuất giải pháp đánh thuế cao với những biệt thự, chung cư không đưa vào sử dụng là một trong những đề xuất hợp lý. Nhưng chúng ta phải đánh thuế cao, cao hơn mức cho thuê nhà, có thể cao gấp đôi mức cho thuê nhà”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Những biệt thự bỏ hoang gần 10 năm đã bị xuống cấp.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong thì cho rằng, thu thuế nhà đất luôn là vấn đề nóng, không chỉ của Hà Nội. Những dự án không đưa vào sử dụng, sử dụng không hết công suất hoặc để lâu hiện nay khá phổ biến. Đây cũng là sự lãng phí tài sản công, tài nguyên của đất nước. Nỗ lực của Hà Nội trong việc thu thuế đối với các dự án này là hợp lý.

Mặc dù đến nay chưa có sự tổng kết, đánh giá về việc này và cũng chưa có quyết sách chính thức. Nếu là cá nhân thì áp dựng theo kinh nghiệm của nhiều nước theo nguyên tắc có nhiều tài sản thì phải đóng thuế nhiều, hàng năm để họ không coi việc tích lũy nhà đất như một loại tài sản tiết kiệm mà phải đưa vào sử dụng để mang lại hiệu quả cho xã hội. Còn đối với doanh nghiệp thì sử dụng những biện pháp thúc đẩy, nếu dự án có thời hạn, có thể sử dụng biện pháp gia tăng, lũy tiến về tài chính để buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh để đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng.

“Chúng ta không thể duy ý chí khi đưa ra một chính sách áp dụng đồng loạt theo kiểu cưỡng bức, mà cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể các lý do. Các dự án này là cả một quá trình tích lũy theo thời gian nên lý do rất phức tạp. Thậm chí, tiêu chí thế nào là bỏ hoang cũng chưa rõ. Vì vậy, cần làm rõ tất cả các tiêu chí nhận diện cũng như các lý do và cơ chế xử lý. Nên lấy ý kiến, đánh giá đồng thuận sau đó mới triển khai, như vậy, mức độ đồng thuận sẽ cao hơn và tính hiệu quả cũng cao hơn. Trước hết, nên tập trung vào những nhóm đất nằm ở vị trí vàng, vị trí nội đô và những dự án mà lý do rõ ràng không thể biện minh”, TS. Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến.

Một số ý kiến cho rằng, đánh thuế giảm đầu cơ sẽ giúp thị trường bất động sản trở về với giá trị thật. Những người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với nhu cầu nhà ở, giải quyết tận gốc tình trạng gom đất đầu cơ, thổi giá. Mặc dù vậy, khi đưa ra quyết định đánh thuế đối với bất động sản chậm đưa vào sử dụng, cần rất thận trọng và có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.

Khi chủ trương chưa rõ, chưa có những tiêu chí nhận diện và những chế tài cụ thể thì rất khó triển khai. Khó cho nhà đầu tư và khó cho các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, cần có thông tin cụ thể về các dự án, từ đó phân tích các nhóm nguyên nhân, nhóm chế tài và các nhóm xử lý khác nhau để có giải pháp phù hợp. Quan trọng là định vị rõ các tiêu chí cũng như các chế tài cụ thể, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan./.

Thành Trung/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận