Gỡ 'Thẻ vàng' với thủy sản: Vì sao 4 năm vẫn loay hoay?

Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp 'Thẻ đỏ'.

 

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp (IUU). Tuy nhiên, Đoàn thanh tra của EC yêu cầu Việt Nam phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong triển khai thực hiện, tăng cường công tác thực thi pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về chống khai thác IUU trong thực tế như đảm bảo lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá VMS, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU; kiểm soát nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam theo Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA)…; đặc biệt là phải ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Sáng nay (13/7), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định.

Bên lề cuộc họp, phóng viên VOV phỏng vấn ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) về những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua trong việc gỡ “thẻ vàng” của EC.

PV: Thưa ông, đến thời điểm này, EC đã đưa ra những yêu cầu nào Việt Nam cần phải thực hiện để chống khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng”?

Ông Trần Đình Luân: Phía EC đã tổ chức 02 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019 và tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới gồm: Khung pháp lý; Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; Thực thi pháp luật.

Từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh covid-19, phía EC không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế; Bộ Nông nghiệp và PTNT thường xuyên cập nhật, báo cáo phía EC kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị, trong đó năm 2020 đã tổ chức 02 cuộc họp trực tuyến với phía EC để trao đổi, thảo luận, giải trình và tiếp thu các ý kiến nhận xét, đánh giá của phía EC về kết quả triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU tại Việt Nam.

Đánh giá của phía EC gần đây đối với báo cáo cập nhật của Việt Nam là rất đáng quan ngại, cho rằng vẫn còn những vấn đề nghiêm trọng trong việc thực hiện khung pháp lý mới và việc tuân thủ, đặc biệt là công tác kiểm soát tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, thực thi quy định xử phạt hành chính đối với công tác kiểm soát tàu cá và kiểm soát thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm.

PV: Trong thời gian Việt Nam gỡ “Thẻ vàng” chuyện gì đã xảy ra đối với hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào châu Âu?

Ông Trần Đình Luân: Việc EC cảnh báo “Thẻ vàng” đã ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Châu Âu giảm 35% so với năm 2017, bên cạnh đó việc Ủy Ban Tài chính và Thuế vụ thuộc Hạ viện Hoa Kỳ giao Ủy Ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) tiến hành điều tra hải sản khai thác IUU nhập khẩu vào Hoa Kỳ và công bố kết quả điều tra về IUU trong đó nêu rõ Việt Nam (cùng với Trung Quốc, Nga, Mexico và Indonesia) có xuất khẩu thủy sản đánh bắt IUU sang thị trường Hoa Kỳ (7% giá trị thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là sản phẩm IUU, tương đương với 106 triệu USD) cũng có thể tạo hệ lụy với các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.

Ngoài ra, việc bị cảnh báo “Thẻ vàng” cũng như việc khắc phục “Thẻ vàng” chậm, không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn khu vực và thế giới.

PV: Vậy trước tình hình cấp bách như vậy, phía Việt Nam, đặc biệt là các địa phương có sản lượng khai thác thủy sản lớn, đã có những phản ứng như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đình Luân: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia, các địa phương có liên quan đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ. Tuy nhiên, kết quả triển khai chống khai thác IUU trên thực tế tại địa phương còn hạn chế, chuyển biến còn rất chậm so với yêu cầu; nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách tại địa phương theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư.

Bộ NN-PTNT thường xuyên tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra tại địa phương, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế; đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên có tiến bộ, tính đến nay số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị VMS có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 26.915/30.778 tàu cá (đạt 87,45%. Công tác quản lý đội tàu khai thác hải sản theo quy hoạch bảo vệ và khai thác ngưồn lợi thủy sản, đã có kết quả tích cực bước đầu theo hướng duy trì, không tăng số lượng tàu cá hiện có.

Tuy nhiên, ý thức của chủ tàu cá, thuyền trưởng còn hạn chế trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng như vận hành, bảo đảm thiết bị bật, phát tín hiệu khi tàu cá hoạt động biển theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý tàu cá của các địa phương chưa thật sự nâng cao năng lực, phương thức hoạt động nên việc quản lý đội tàu cá của tỉnh mình còn chưa chặt chẽ; công tác giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật cho ngư dân còn nhiều bất cập. Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn xảy ra, còn diễn biến phức tạp, các tỉnh như Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa -Vũng Tàu, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến, tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; Việc điều tra, xử lý các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế, vẫn chưa đưa ra xử lý được trường hợp nào để răn đe, giáo dục.

PV: Xin cảm ơn ông! 

Theo VOV.VN

Từ năm 2012 đến nay, có 27 nước đã bị EC cảnh báo thẻ (trong đó: có 21 nước bị cảnh báo “Thẻ vàng” và 06 nước bị áp dụng biện pháp “Thẻ đỏ”). Đến nay, đã có 03 nước gỡ được “Thẻ đỏ”, 14 nước gỡ được “Thẻ vàng” trong đó có 02 nước ở Đông Nam Á là Thái Lan và Philippines.

Khi bị cảnh báo “Thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường Châu âu (EU). Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “Thẻ đỏ”.

Trường hợp bị áp dụng biện pháp “Thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận