Không để lúa gạo giảm giá mới mua

  • 12/08/2021 10:14:52
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Nhu cầu nhập khẩu gạo Việt tăng cao nhưng doanh nghiệp không thể giao hàng, sản lượng thu mua sụt giảm khiến tiến độ thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị chậm lại, giá liên tục giảm.

 

Giá lúa giảm do đứt gãy nhiều khâu

Theo báo cáo mới nhất của Tổ công tác 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá lúa gạo tại ĐBSCL nhìn chung đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 500 -600 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa IR50404 dao động trong khoảng 4.400 đồng/kg, giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900 - 1.300 đồng/kg. Giá lúa OM9577 và OM9582 trong khoảng 5.600 - 5.800 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/kg...

Dự báo thời điểm thu hoạch lúa hè thu và thu đông sớm sẽ tập trung trong các tháng 8, 9 và 10, nhưng hiện lúa chưa thu hoạch trên đồng ruộng ở các địa phương còn rất nhiều, nhất là lúa vụ hè thu, đến nay mới chỉ thu hoạch hơn 600.000ha trên tổng số gần 1,6 triệu ha gieo cấy. Ước tính sản lượng thu mua lúa hè thu sụt giảm từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân bởi doanh nghiệp ngưng thu mua lúa do gặp nhiều “rào cản” trong chuỗi cung ứng như việc bốc xếp, vận chuyển, lưu thông lúa hàng hóa từ ngoài ruộng, đến nhà máy, giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng bị đứt gãy. Kênh phân phối nội địa cũng khó khăn trong việc giao hàng ở cả đường bộ và đường thủy. Nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, xà lan giao lên cảng. Di chuyển giữa các địa phương cũng gặp khó khăn… Hiện các công ty đang cố gắng bao tiêu hết lúa đã ký kết, nhưng nhiều nơi chưa có hướng xử lý. Tân Cảng - cảng container chính - ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 07/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục. Lượng lớn container ứ đọng tại cảng Cát Lái do chỉ còn 50% nhân sự làm việc.

Giá lúa gạo tại ĐBSCL đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. 	ảnh: Trube

Bên cạnh đó, khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là không đủ khả năng duy trì hoạt động sản xuất theo “3 tại chỗ”, hay “1 cung đường, 2 điểm đến” do tỷ lệ tiêm vacine còn hạn chế. Nhiều cơ sở sấy và xay xát lúa cũng phải dừng hoạt động do không đáp ứng việc test nhanh Covid-19.

Đại diện tỉnh Đồng Tháp cho biết, dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Hiện tại chỉ còn 49/239 doanh nghiệp xay xát lúa gạo trên địa bàn tỉnh còn duy trì hoạt động.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Có thực tế, các doanh nghiệp cam kết mua lúa cho nông dân nhưng vẫn chưa triển khai mà chờ đợi giá lúa xuống để họ “bắt đáy”.

“Việc giá lúa gạo và nông sản nói chung giảm sâu không phải do quan hệ cung cầu mà là do vấn đề ở khâu cung ứng. Khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được. Điều này không những ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gạo vụ hè thu 2021 tại ĐBSCL, mà còn có nguy cơ kéo dài sang vụ thu đông năm 2021 cũng như vụ đông xuân 2021 - 2022 nếu như tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT nhìn nhận.

Đồng bộ thiết lập “luồng xanh”, “vùng xanh”

Để tháo gỡ những khó khăn này, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - kiến nghị, các địa phương đặc biệt xem xét ưu tiên phân “luồng xanh”, xét nghiệm nhanh tại chốt cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy sấy, vận chuyển gạo từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu và khu vực tiêu thụ nội địa đang có nhu cầu lớn. Đồng thời, khẩn trương xây dựng và áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa như: mở rộng liên kết tiêu thụ, kết nối liên tỉnh hỗ trợ vận chuyển hàng hóa để hoạt động tiêu thụ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: “Vấn đề tiêu thụ lúa gạo không phải cứ “khoán trắng” cho ngành nông nghiệp là được, mà còn liên quan tới công an, giao thông, y tế…”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị: Ưu tiên tiêm vaccine và tạo điều kiện đi lại cho lực lượng trong chuỗi cung ứng: tài xế ghe, xà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, giám định hàng hóa, khử trùng... Hỗ trợ thuế, các khoản phí cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh, hiện các chi phí test nhanh và PCR, chi phí ăn, ở cho các lao động 3 tại chỗ là do doanh nghiệp chịu toàn bộ.

Các quy định mới của cơ quan chức năng, nếu có, phải theo lộ trình, tránh đột ngột vì DN không trở tay kịp, nhất là các lô hàng đang trên đường. Các cơ quan chức năng nghiên cứu giải quyết thông thương cho hàng hoá và phương tiện vận tải lưu thông, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần hỗ trợ tích cực mua lúa gạo cho nông dân, không chờ lúa hạ giá thêm nữa rồi mới mua. Đây cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng như cơ hội để xây dựng hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận