Nông sản ùn ứ nhiều nơi
Tại “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021” vừa diễn ra mới đây, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay lượng hàng nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chăn nuôi ở các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên cần được tiêu thụ khá lớn. Cụ thể, có khoảng 5 triệu tấn lúa,3,7 triệu tấn rau, xoài 355 nghìn tấn, chuối 563 nghìn tấn, thanh long 1,015 nghìn tấn, dứa 246 nghìn tấn, bưởi 335 nghìn tấn, chôm chôm 164 nghìn tấn, thủy - hải sản khoảng 112 nghìn tấn; thịt lợn hơi 76 nghìn tấn, thịt gà 1.500 tấn, trứng trên 400 triệu quả... đang đến vụ thu hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ khâu thu hoạch, vận chuyển, đến chế biến tiêu thụ đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số thị trường truyền thống và đối tác lâu năm dừng nhập hàng nên đầu ra các sản phẩm bị ách tắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần kết nối tiêu thụ trong nước các mặt hàng nông sản (gạo 1.400 tấn, dưa bồn bồn 01 tấn/ngày), hàng thuỷ sản như tôm tươi 10 tấn/ngày, cua 01 tấn/ngày, cá biển 600 tấn, mực tươi 55 tấn, khô cá biển các loại 10 tấn/ngày, bánh phồng tôm 02 tấn/ngày, nước mắm 350.000 lít... “Trước tác động của dịch bệnh,một số hàng hóa nông, lâm thủy sản của các tỉnh, thành phố hiện nay gặp nhiều khó khăn trong vấn đề lưu thông, tiêu thụ tìm đầu ra. Trong khi đó, hiện nay một số tỉnh, thành phố đang thiếu hàng hóa (đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, ...), những tỉnh khác đang gặp khó khăn trong tiêu thụ”, ông Lê Văn Sử nói.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, trong tháng 8, Long An bước vào vụ thu hoạch thanh long với sản lượng dự kiến khoảng 15.000 tấn. Bên cạnh đó, tỉnh còn có hàng nghìn tấn nông sản, thủy sản gồm lúa, dưa hấu, tôm,... Phần lớn thị trường tiêu thụ là TP HCM, song những địa phương này đang thực hiện giãn cách xã hộinên việc thu hoạch, tiêu thụ bị chững lại.
Tại Hậu Giang, đại diện tỉnh này cho biết, đang tồn đọng gần 2.700 tấn nông sản, trong đó rau các loại tồn đọng khoảng 75 tấn, cây ăn trái các loại tồn đọng 470 tấn và khoảng 2.000 tấn thủy sản…đến vụ thu hoạch nhưng thị trường tiêu thụ hiện rất nhỏ giọt. Nếu không có giải pháp kịp thời, rất dễ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, khơi thông hàng hóa tại các tỉnh, thành phố lớn như Tp.HCM và các tỉnh khác,lãnh đạo các tỉnh Long An, Cà Mau, Đắk Lắk đề xuất, các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp, thống nhất các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề nghị, mỗi tỉnh cử ra một đầu mối để liên hệ với nhau, kết nối tiêu thụ sản phẩm như rà soát, xác định danh mục, sản lượng dự kiến các loại sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản cần bán, cần mua. Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước.
Chủ động phối hợp, hỗ trợ trong hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số (trong điều kiện giãn cách xã hội). Hỗ trợ và đôn đốc các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương; tích cực tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến; Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử uy tín.
Chia sẻ giải pháp khơi thông hàng hóa, đại diện SaigonCo.op cam kết tiêu thụ, phân phối hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên ở mức cao nhất, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tay người tiêu dùng cả nước, góp phần ổn định tình hình thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19.SaigonCo.op đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh hợp tác xã tại các tỉnh, thành để hỗ trợ, phân phối các mặt hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi không tiêu thụ được do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Trước đó, đơn vị đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên để có nguồn cung cấp ổn định cho toàn hệ thống.Phối hợp xây dựng sàn giao dịch nông sản, hỗ trợ liên kết trao đổi thông tin, tăng tiêu thụ nông sản, thủy sản của các địa phương trên nền tảng thương mại điện tử.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, trong tháng 7/2021, Bộ Công Thương đã đồng hành với các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản đến vụ của tất cả các địa phương trên cả nước, nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.Chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương đối với hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số.Bộ trưởng cũng kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ, các nhà phân phối lớn trong nước như Sai Gon Coopmart, Bách Hóa Xanh, Vinmart, tập đoàn T&T, Post mart, Aeon, Mega Market… vào cuộc mạnh mẽ để hỗ trợ thúc đẩy việc tiêu thụ, lưu thông nông sản, thủy sản trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng./.