Cửa hàng thay đổi cách bán hàng để thích nghi với giãn cách xã hội

Giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cửa hàng, siêu thị tư nhân tại Hà Nội đã phải thay đổi phương thức bán hàng truyền thống.

 

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những ngày qua, nhiều chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội phải tạm ngưng hoạt động; mặt khác, theo Chỉ thị 16 của Chính phủ thì cũng hạn chế người ra đường nếu không thật cần thiết và người dân cũng không thể di chuyển sang các chợ lân cận nên việc mua thực phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày gặp nhiều khó khăn.

Do đó, nhiều cửa hàng, siêu thị tư nhân bán các mặt thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày tại Hà Nội đã phải thay đổi cách thức bán hàng để vừa đảm bảo an toàn mà vẫn có thể duy trì công việc kinh doanh.

Dịch Covid-19 khiến doanh thu nhiều cửa hàng giảm sút.

Chị Hoàng An - chủ của chuỗi cửa hàng tiện tích Mai Anh Mart tại khu đô thị An Bình City (Hà Nội) chia sẻ, ngay khi tình hình dịch Covid-19 trở nên phức tạp thì chị đã nghĩ ngay tới việc phải thay đổi hình thức bán hàng như mọi ngày để làm sao vừa đảm bảo cho nhân viên bán hàng, vừa đảm bảo cho người mua hàng.

“Khách đến mua sẽ không vào cửa hàng vì không gian chật hẹp không đảm bảo quy định “5K”. Thay vào đó, trước mỗi cửa hàng tôi đều cho kê bàn để khách ghi những đồ cần mua (bàn nhận đơn) và một bên khách sẽ nhận hàng, thanh toán (bàn nhận đồ). Khách mua hàng có thể chuyển khoản để tránh giao dịch tiền mặt. Ngoài ra, khách không thể đi mua hàng thì tôi sẽ nhận đơn qua điện thoại, tin nhắn và cho người chuyển đến sảnh các tòa nhà rồi chuyển khoản thanh toán”, chị Hoàng An chia sẻ.

Cũng theo chị Hoàng An, mô hình bán hàng này sẽ đảm bảo an toàn cho mọi người hơn nhưng việc mua hàng, giao hàng gặp nhiều khó khăn và vất vả. Vì người mua không được tự tay lựa chọn, chủ yếu là khách hàng hỏi gì thì nhân viên lấy thứ đó, nhiều khi lấy ra không đúng ý lại đem đổi đi đổi lại.

“Dù việc bán hàng mùa dịch vất vả hơn nhưng tôi luôn quán triệt nhân viên phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định để đảm bảo an toàn. Vì nếu không may có chuyện gì xảy ra thì sẽ nguy hiểm cho bản thân trước, sau là gây ảnh hưởng cho rất nhiều người.

Đồng thời, tôi cũng chia sẻ với khách hàng để họ thông cảm nếu chưa hài lòng hay có bất cập… Bởi việc cung ứng hàng hoá hiện nay của các nhà cung cấp cho cửa hàng cũng rất khó khăn và quá tải. Còn rất ít đơn vị đủ điều kiện làm việc. Có thể hôm trước họ báo có hàng, nhưng hôm sau có việc không giao được, hay chậm trễ do có nhiều chốt kiểm soát dịch. Nên khi khách hỏi thì sẽ có thứ có, thứ không” - chị Hoàng An nói.

Chị Hoàng An cho biết, từ khi dịch đến nay, doanh thu của chuỗi cửa hàng phải giảm từ 40 - 50% so với bình thường. Hiện tại, khách hàng chủ yếu mua nhu yếu phẩm ăn hàng ngày chứ các mặt hàng khác không bán được.

Trong khi đó, cửa hàng tiện ích BB-Mart của chị Lan Anh tại Mỹ Đình, Hà Nội thì lại lựa chọn phương pháp khách xếp hàng rồi lần lượt vào cửa hàng mua đồ.

“Đối với cửa hàng tôi thì mọi người đến mua hàng sẽ phải xếp hàng (nếu đông) rồi lần lượt vào mua. Mỗi lần chỉ một người vào mua hàng, trước khi vào thì được nhân viên đo nhiệt độ, sát khuẩn tay… Các nhân viên luôn phải đeo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn và đo nhiệt độ hàng ngày trước khi vào ca” - chị Lan Anh chia sẻ.

Theo chị Lan Anh, mô hình này cũng có những bất cập và giảm doanh thu đáng kể nhưng trong tình hình dịch hiện nay thì an toàn vẫn là quan trọng nhất.

Anh Nguyễn Xuân Giáp - chủ cửa hàng Fruits House (Hà Nội) lại đẩy mạnh việc bán online vì dịch nhiều người không muốn đi mua.

“Dịch dã khiến mọi người ngại đi mua, rồi phải hạn chế ra đường nên thay vì bán hàng như truyền thống thì tôi cho đẩy mạnh bán online. Hàng ngày tôi cho nhân viên livestream, đăng ảnh các mặt hàng hoa quả, giá cả từng loại trên trang Fanpage cửa hàng và trang Facebook cá nhân của tôi để khách và người quen có thể biết và mua hàng.

Mùa dịch, anh Giáp đẩy mạnh bán hàng online.

Sau đó mọi người có thể đặt hàng qua tin nhắn, gọi điện trực tiếp… rồi tôi cho thuê ship để chuyển hàng. Đồng thời, tôi còn bố trí nhân viên trực điện thoại, Facebook để trả lời, tư vấn và nhận phản hồi của khách hàng. Tuy lượng khách cũng giảm nhưng với tình hình dịch hiện nay thì bán được vẫn là mừng vì duy trì được việc kinh doanh và đỡ được phần nào tiền chi phí thuê cửa hàng” - anh Giáp chia sẻ./.

Bảo Linh/VOV.VN

Ảnh: NVCC

 

Bình luận

    Chưa có bình luận