Dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và đang tác động tiêu cực đến sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, điều quan trọng và cần thiết hàng đầu là sự đồng lòng, thấu hiểu và cùng nhau chia sẻ những khó khăn của ba bên gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
Nếu như năm ngoái tác động của dịch đến các doanh nghiệp cũng lớn nhưng chủ yếu là doanh nghiệp du lịch, hàng không, dịch vụ, sang năm nay, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tác động của dịch bệnh lại càng nghiêm trọng hơn, lan rộng sang nhiều doanh nghiệp tại các trung tâm công nghiệp lớn như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP HCM… đã và đang gây ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, xuất khẩu... khiến tỷ lệ lao động mất việc tăng cao.
Ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương nêu thực tế, thời gian qua, doanh nghiệp sản xuất đang lúng túng để duy trì hoạt động kinh doanh. Việc tắc nghẽn xuất khẩu, khiến doanh nghiệp mất bạn hàng, mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các đối tác có thể tìm nơi cung cấp ở các quốc gia khác mà không chờ đợi doanh nghiệp.
"Trong lần thứ 4 này dịch diễn biến rất nhanh và mạnh, các biện pháp chống dịch chúng ta đưa ra cũng rất căng thẳng, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa nguyên vật liệu, những thành phẩm rất khó khăn. Chúng ta di chuyển từ địa phương này tới địa phương khác về nguyên vật liệu cũng bị hạn chế hiện nay. Nguồn cung ứng gần như bị đứt gãy, đứt gãy liên tục, do đó đã khiến nhiều doanh nghiệp rất khốn khó", ông Minh nói.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CEIM), tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã sang năm thứ hai suy giảm do tác động của dịch Covid-19, sức chống chịu của các doanh nghiệp đã tới "ngưỡng". Vì vậy, việc triển khai nhanh các gói hỗ trợ với các thủ tục đơn giản, thận tiện và nhanh chóng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay:
Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng hành của cả Chính phủ và doanh nghiệp tìm kiếm những giải pháp để tháo gỡ những nút thắt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Vì thế mà những chương trình, những gói hỗ trợ về mặt tài chính đối với doanh nghiệp thì cần được đưa ra thảo luận, có một kế hoạch cụ thể hơn bởi các bộ, ngành, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Với hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đối với những doanh nghiệp trong những ngành nghề chịu tác động nặng, thì chúng ta phải có những hỗ trợ đặc biệt hơn.
Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang rút ngắn thủ tục thông qua gói hỗ trợ thuế, phí khoảng 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin, 16 ngân hàng thương mại cổ phần đã cam kết giảm lãi suất cho các doanh nghiệp tuỳ mức độ khó khăn, ước tính gói giảm lãi suất này khoảng 20.300 tỷ đồng đến hết năm nay./.
Nguyễn Hằng/VOV1