Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn: Một mục tiêu, nhiều lợi ích

Du lịch nông thôn tạo ra những lợi ích vô giá trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bản địa, làm sống lại các làng nghề truyền thống...

 

Bên cạnh những lợi ích có thể đo đếm được về mặt kinh tế, xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động khu vực nông thôn, giúp chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp… du lịch nông thôn còn tạo ra những lợi ích vô giá trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bản địa, làm sống lại các làng nghề truyền thống, tạo môi trường văn hoá lành mạnh, gắn kết trong cộng đồng...

Mục tiêu chiến lược

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Nghị quyết XIII) đã định hướng là phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là một mục tiêu quan trọng. Bám sát mục tiêu này, tại Dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng đã xác định, hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm. Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực du lịch cũng xác định, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm sinh thái, chú trọng khám phá đa dạng sinh học, hang động, du lịch núi, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn là sản phẩm du lịch chính. Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, nhận định: “Nhiệm vụ này rất sát với tình hình hiện nay khi du lịch nông thôn, nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước. Trong quá trình đô thị hoá và hiện đại hóa, nhu cầu du lịch về những vùng quê nông thôn bình dị, không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của khách du lịch là xu thế tất yếu, nhất là khách du lịch sinh sống ở vùng đô thị. Rất nhiều, nếu không muốn nói là đa phần tài nguyên du lịch hiện nay nằm ở nông thôn và gắn với nông nghiệp, từ rừng, núi, sông, hồ đến sản xuất nông nghiệp và các làng nghề”.

Du lịch nông thôn làm gia tăng gía trị cho các sản phẩm nông nghiệp.

Trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT&DL lồng ghép nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thông mới (NTM). Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần xây dựng NTM bền vững. Du lịch nông thôn có tác động tích cực trở lại đối với xây dựng NTM, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân nông thôn, đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và chất lượng.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 nên tập trung vào việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn, đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đồ án quy hoạch xây dựng NTM. Trong đó, tranh thủ nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực khác để đầu tư cho du lịch nông thôn. Tăng cường công tác quản lý điểm đến nông thôn và tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến, kết nối du lịch nông thôn gắn với NTM.

Nhiều lợi ích

TP Hội An, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương phát triển sớm và khá hiệu quả sản phẩm du lịch nông thôn, mang lại lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Điển hình tại các làng nghề truyền thống như làng rau sạch 400 năm tuổi Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, du lịch cộng đồng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, du lịch sinh thái gắn với rừng dừa nước và hệ thống sông lạch vùng hạ lưu Thu Bồn tại rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh (Hội An)… Trước đây, mỗi năm xã Cẩm Thanh đón khoảng 10.000 du khách đến tham quan rừng dừa nước Bảy Mẫu. Tuy nhiên, phần lớn là do doanh nghiệp kinh doanh tự xây dựng tour, thực hiện trọn gói, cộng đồng ít được hưởng lợi. Đến nay, với Đề án Tour du lịch sinh thái lấy cộng đồng làm chủ thể do Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm xây dựng đã góp phần giúp điểm du lịch này phát triển bền vững, hài hòa, bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh thái làng quê. Đến Cẩm Thanh, du khách theo chân các nông dân, là chủ nhân các vườn rau hữu cơ cùng đạp xe tham quan các di tích ở làng, đi thúng chai vào rừng dừa nước, về vườn rau hữu cơ cùng chủ nhân trồng rau, thưởng thức ẩm thực được chế biến từ rau…

Phát triển du lịch tại khu vực nông thôn đã góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về nông thôn mới.

Tại Thừa Thiên Huế, nhiều mô hình và tour tuyến du lịch nông thôn đã góp phần đưa lại những lợi ích kể trên khá rõ nét. Trong đó, phải kể đến là những mô hình du lịch tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

“Đã có hơn 20 nhà rường cổ hàng trăm năm tuổi được hỗ trợ chính sách trùng tu (với mức từ 600 - 800 triệu đồng/nhà) cùng nhiều chính sách phát triển dịch vụ du lịch gắn với di sản này. Những chủ nhà cổ cũng xác định được trách nhiệm của mình, huy động nội lực gia đình để mua sắm bàn ghế, đèn trang trí, làm sân vườn, bình phong, trồng cây ăn quả và chỉnh trang khuôn viên. Việc làm này đã phát huy được tinh thần, trách nhiệm cộng đồng của chính quyền và cộng đồng dân cư tại địa phương, góp phần mở rộng hoạt động du lịch dịch vụ tham quan, dịch vụ lưu trú và giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong làng. Đặc biệt, làng nghề gốm ở Phước Tích nổi tiếng hơn 500 năm bị mai một đã được hồi sinh với tour Hương xưa làng cổ”, ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết.

Khi nói đến mô hình du lịch nông thôn gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống phải kể đến huyện miền núi A Lưới. Tại đây, cùng với việc phát triển các mô hình du lịch khám phá thiên nhiên, trải nghiệm ẩm thực và các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ độc đáo của đồng bào vùng cao, thì nghề dệt Zèng của người Tà Ôi cũng phát triển nhanh. Sản phẩm từ Zèng của đồng bào ban đầu chỉ dùng cho người bản địa, sau đó được phát triển thành các sản phẩm lưu niệm như túi xách, quần áo, giày dép... và thậm chí đã trở thành chất liệu cho các bộ sưu tập nổi tiếng biểu diễn trong và ngoài nước.

“Có thể chỉ ra nhiều lợi ích cụ thể của phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn với việc thực hiện chính sách xây dựng NTM: Phát triển du lịch tại khu vực nông thôn đã góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về NTM ở nước ta, đặc biệt là tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần gìn giữ được nghề nông truyền thống, duy trì được sản vật địa phương có giá trị, góp phần hình thành lực lượng lao động nông nghiệp lành nghề… Du lịch tạo ra các nguồn thu đa dạng cho hộ nông dân bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy. Thông qua cung cấp dịch vụ “cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và cùng lao động sản xuất” cho du khách, người dân địa phương đã có thu nhập và được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch. Du lịch sẽ tạo ra việc làm “tại chỗ” cho lao động nông thôn, cả trực tiếp cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch và gián tiếp đến các hộ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho du lịch, đặc biệt là cả các nhóm có khả năng khó tiếp cận thị trường việc làm như phụ nữ, người cao tuổi, người yếu thế tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam...”, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.

Cần chính sách phù hợp

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt cho rằng: “Phát triển du lịch nông thôn hiện nay còn thiếu cơ sở thực tế. Vì thế, cần có những nghiên cứu bài bản, trên cơ sở thực tế để xây dựng Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với phát triển nông thôn mới, xây dựng quy hoạch, đề xuất những chính sách phát triển phù hợp. Trong đó, cần đánh giá cụ thể về tiềm năng, thế mạnh, thực tế ở từng vùng miền, làm rõ những khác biệt ở vùng đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long…để có mô hình phù hợp chứ không thể phát triển chung chung. Đồng thời phải xây dựng những tiêu chí phát triển du lịch nông thôn cụ thể, tránh trùng lắp giữa các địa phương, vùng miền”.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho rằng, ngoài việc sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn, cần nghiên cứu xây dựng, ban hành một số chính sách thu hút các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đầu tư phát triển du lịch nông thôn như hỗ trợ đầu tư hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tiếp cận vốn vay ưu đãi, xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn giá trị văn hóa, ngành nghề truyền thống, đơn giản hóa thủ tục hành chính… Trong giai đoạn tới, cần tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, quy hoạch cảnh quan, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.../.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận