Cá không để dưới ao, gạo phải vào luồng xanh

Trước diễn biến phức tạp trên diện rộng của dịch Covid-19, các tỉnh, thành phố phía Nam cùng các bộ ngành tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản không bị đứt gãy.

 

Vướng mắc ở khắp nơi

Theo báo cáo mới nhất của Tổ công tác 970, Bộ NN&PTNT, tình hình chế biến, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục gặp khó khăn. Doanh nghiệp chế biến thủy sản khu vực Nam bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở, chỉ còn 65% số cơ sở tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ đạt khoảng 30 - 40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Do TP.HCM và các tỉnh đều kéo dài thời gian giãn cách sau ngày 15/8 nên các DN chế biến thủy sản thêm khó khăn bởi chi phí “3 tại chỗ” rất cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phân tích, 70% nhà máy chế biến cá tra đã ngưng sản xuất nên cá tra đến lứa thu hoạch vẫn đang “nằm thở dưới ao”. Trong khi đó, để duy trì lượng cá quá lứa thu hoạch này, các doanh nghiệp mỗi ngày phải chi tiền thức ăn cho cá lên đến hàng chục triệu đồng/ao. Không cho ăn thì cá chết, cho ăn thì vừa tốn tiền, và cá lại lớn vượt size trên 1kg/con sẽ không bán được. .

Tình hình thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long có khá hơn do các tỉnh tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh thu mua. Các địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ cho việc bố trí nhân công cũng như phương tiện trong việc thu hoạch lúa như áp dụng phân vùng xanh, vàng, đỏ cho mức độ nguy cơ dịch bệnh Covid-19, phối hợp trong việc điều phối máy gặt đập liên hợp giữa các tỉnh. Cây ăn quả do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh dẫn đến giá bán trái cây thấp.

Giá bán trái cây thấp do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua thấp. Ảnh: Hà Nguyên

Đối với chăn nuôi, giá sản phẩm gia súc gia cầm giảm. Với việc giảm mạnh cầu do giãn cách xã hội, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm chăn nuôi trong 1, 2 tháng tới. Trong khi đó, giá ngô vẫn duy trì ở mức cao càng làm cho người chăn nuôi khó khăn.

Lĩnh vực chế biến gỗ cũng đang hết sức khó khăn. Trong số 265 doanh nghiệp chế biến gỗ chỉ còn 141 doanh nghiệp duy trì hoạt động với số lượng công nhân đang làm việc khoảng 30.700 người trên tổng số 119.300 lao động trước khi thực hiện giãn cách.

“Khó đến đâu, gỡ đến đó”

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ ngành trung ương và sự chủ động vào cuộc sát sao của các địa phương, hiện tại tình hình lưu thông vận chuyển nông sản cũng như việc đi lại của lực lượng lao động nông nghiệp ở các tuyến giao thông như quốc lộ, tỉnh lộ giữa các tỉnh với nhau và với TP.HCM đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, tại một vài địa phương, các tuyến đường liên ấp, liên xã với sự kiểm soát của lực lượng tại chỗ vẫn chưa cập nhật chỉ đạo chung nên còn gây ra một số khó khăn trong việc đi lại cho các lực lượng lao động, doanh nghiệp, nông dân trong tham gia sản xuất và lưu thông nông sản hàng hóa.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, các tỉnh, thành phố nên có một văn bản thống nhất ban hành xuống cấp xã, phường. Đối với vận chuyển đường thủy, các tỉnh, thành phố cần bố trí các điểm test nhanh Covid-19 tại các cảng hoặc các chốt, công bố số điện thoại và thông báo cho các tài công biết. Với “xã đỏ”, “ấp đỏ” do có người nhiễm Covid-19, đề nghị địa phương tổ chức thu hoạch nông sản, bố trí điểm tập kết nông sản để các phương tiện vận tải đến bốc xếp và vận chuyển nhanh gọn, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Tổ công tác 970 đề nghị, Sở NN&PTNT các tỉnh Nam bộ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tạo điều kiện cho nhân công, máy móc thu hoạch lúa, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thu mua, vận chuyển, xay xát, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản như tôm, cá tra… Bên cạnh đó, tăng cường các hình thức liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu, kết nối cung cầu của tất cả các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương, liên kết rải vụ thu hoạch nông sản để chủ động cung ứng và hạn chế hiện tượng thừa cung ở một vài thời điểm trong năm, trước mắt là lúa gạo trong năm 2021.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đặc biệt nhấn mạnh: “Tinh thần là khó đến đâu tháo gỡ đến đó. Các Sở Giao thông vận tải, Sở NN&PTNT, Sở Y tế từng địa phương phối hợp thực hiện, nếu còn vướng mắc thì đề xuất với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh tháo gỡ. Các vấn đề liên quan đến liên vùng cả nước thì kiến nghị tới các Tổ công tác của các Bộ để có giải pháp phù hợp, tránh phải báo cáo nhiều đến Thủ tướng Chính phủ”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận