Những con số báo động
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, tại các tỉnh ĐBSCL, lượng phân bón vô cơ, cả nước sử dụng trung bình 560kg/ha, trong khi nông dân ĐBSCL bón bình quân đến 754 kg/ha, cao hơn 35% so với mặt bằng chung cả nước. Cá biệt, có tỉnh như Bến Tre có lượng sử dụng phân bón vô cơ gấp gần 4 lần lượng trung bình toàn quốc. Trong khi đó, lượng phân bón hữu cơ sử dụng trung bình cả nước là 1,4 tấn/ha, nhưng khu vực ĐBSCL mới chỉ đạt 392kg/ha, tức là chỉ bằng 27,3% so với mặt bằng chung cả nước. Trong tổng số 24.491 sản phẩm phân bón cả nước đã được công nhận lưu hành, tại ĐBSCL có 5.265 sản phẩm, chiếm 21,5%, trong đó phân bón vô cơ có 4.273 sản phẩm, chiếm 81,1%, phân bón hữu cơ có 992 sản phẩm, chiếm 18,9%.
Tương tự, với thuốc BVTV hóa học, lượng sử dụng tại khu vực này đang cao hơn mức trung bình toàn quốc là 71,9%, trong đó phải kể đến Tiền Giang, Đồng Tháp có mức sử dụng thuốc BVTV hóa học gấp xấp xỉ 3 lần so với trung bình cả nước. Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, năm 2020, lượng thuốc BVTVthành phẩm được sử dụng trong cả nước là 51.910 tấn, trung bình là 3,81kg/ha.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh ĐBSCL do Bộ NN&PTNT tổ chức, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, cho biết: “Long An là tỉnh sản xuất nông nghiệp chiếm chủ yếu với diện tích đất sản xuất nông nghiệp: 310.065ha, trong đó đất trồng lúa 245.296ha, đất trồng cây hằng năm khác 21.400ha, đất trồng cây lâu năm: 43.370ha. Do vậy, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV là tương đối nhiều, có trên 800 sản phẩm phân bón, thuốc BVTV đang lưu thông trên địa bàn tỉnh. Vẫn còn tình trạng người nông dân sử dụng thuốc BVTV không theo nguyên tắc 4 đúng, pha trộn nhiều loại thuốc, tự ý tăng liều lượng sử dụng, sử dụng một số loại phân chuồng chưa hoai; Chưa ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng đầy đủ để truy xuất nguồn gốc”.
Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang nêu thực trạng, nông dân sử dụng phân bón theo cảm tính, không theo nhu cầu của cây, lượng phân sử dụng ở mức cao nên thường xuyên xảy ra sâu bệnh.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phân tích: “Tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV nếu không được giải quyết, sẽ dẫn tới hệ lụy rất lớn không chỉ đối với môi trường, sức khỏe con người mà còn dẫn tới tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại, suy giảm đa dạng sinh học của các loài thiên địch. Không chỉ có vậy, việc lạm dụng thuốc BVTV, phân bón còn làm tăng giá thành sản phẩm, qua đó làm giảm thu nhập của người nông dân”.
Minh bạch, trách nhiệm hướng tới bền vững
Cục Bảo vệ thực vật chỉ ra nguyên nhân của thực trạng, ngoài nguyên nhân do nhận thức của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân còn chưa đầy đủ thì hiện thiếu các kết quả nghiên cứu điều tra, thống kê việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV mang tính hệ thống.
Theo ông Hoàng Trung, biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp và tác động trực tiếp đến ngành trồng trọt, đặc biệt tác động đến sự phát sinh và phát triển của sinh vật gây hại, các sinh vật gây hại mới ngày càng xuất hiện nhiều gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, đòi hỏi phải có các nghiên cứu cụ thể về tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó xem xét đến việc nghiên cứu sự thay đổi tập tính của sinh vật gây hại từ đó đưa ra dự tính, dự báo sự phát sinh và phát triển của sinh vật gây hại. Trên cơ sở đó có hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý, thuốc BVTV an toàn và hiệu quả.
Một số ý kiến khác cho rằng, cần khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như “3 giảm, 3 tăng”, sử dụng các sản phẩm vật tư đầu vào thế hệ mới, thông minh, an toàn với môi trường để tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu.
Việc áp dụng các ứng dụng này cũng cần đi đôi với các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp với điều kiện và cơ sở hạ tầng sẵn có tại Việt Nam, làm cơ sở cho việc đàm phán mở cửa thị trường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ông cũng đã nhận được nhiều nhắn gửi của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, những người nông dân ở ĐBSCL về nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là chất lượng nông sản, thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV ở ĐBSCL. Bộ NN&PTNN đã xem xét lại những phần việc mà Chính phủ giao thực hiện thông qua Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm cụ thể hoá mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bên cạnh mặt tích cực, ĐBSCL còn nhiều vấn đề cần có sự quyết tâm cao về nhận thức, hành động từ mỗi người để chuyển biến nền nông nghiệp nơi đây theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Mọi hoạt động sử dụng phân bón, thuốc BVTV đều phải công khai để không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Minh bạch là mọi điều đều phải công khai, sáng tỏ từ việc sử dụng phân, thuốc BVTV để không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Về trách nhiệm, chúng ta cần phải trách nhiệm với cả người tiêu dùng và người nông dân, trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Đánh giá, việc minh bạch thông tin là tôn chỉ của hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu mà Việt Nam đã tham gia, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Cần phải thiết lập được hệ sinh thái hay liên minh của những doanh nghiệp có trách nhiệm đối với nền nông nghiệp, trách nhiệm đối với nông dân và trách nhiệm với thương hiệu quốc gia về nông sản”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: “Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Theo đó, xác định 3 yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông thôn thông minh. Chúng ta sẽ không đánh đổi tăng trưởng với uy tín và thương hiệu của nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, còn là vấn đề gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, thậm chí là sức khỏe của người nông dân cũng trực tiếp bị ảnh hưởng”.
|