Cần sẵn sàng cho trạng thái bình thường mới

Báo Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, về những vấn đề cần chuẩn bị sẵn sàng để đón trạng thái bình thường mới:

 

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến 15/9 cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo Nghị quyết 86/NQ-CP ở tất cả các địa phương. Báo Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, về những vấn đề cần chuẩn bị sẵn sàng để đón trạng thái bình thường mới:

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Chúng ta phải hy sinh nhiều lợi ích khi thực hiện giãn cách xã hội; các lực lượng và người dân đã và đang rất vất vả, khó khăn thì phải làm thật nghiêm, thật chặt để đạt mục tiêu, để sự vất vả, hy sinh này không vô nghĩa"

Thưa Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra là "Phấn đấu đến 15/9 cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở tất cả các địa phương". Vậy theo ông, chúng ta cần chuẩn bị những gì để sẵn sàng đón trạng thái bình thường mới?

Theo tôi, điều kiện đầu tiên hiện tại vẫn là phòng chống dịch hiệu quả. Phải đẩy nhanh tiêm vaccine để trong vòng 1 - 2 tháng nữa đạt được kết quả 70 - 80% số người 18 tuổi trở lên được tiêm chủng. Thứ hai, chỉ có thể mở cửa được thị trường nếu số ca nhiễm mới dừng lại, khi nào không tăng vượt quá 10.000 ca/ngày trong cả nước, và con số đó được duy trì hoặc giảm dần ít nhất trong 1 tuần,cùng với đó là số ca tử vong cũng không tăng, thì mới có thể nới lỏng được. Đây là những biện pháp y tế tiên quyết để có thể hướng tới phục hồi kinh tế, quay lại trạng thái bình thường mới. Khi có những biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả thì lúc đó cần nới lỏng các biện pháp kiểm soát.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), theo quan điểm của tôi, cần có kế hoạch mở cửa từng phần, thành phần đầu tiên cần phải nghĩ đến là người dân. Khi kiểm soát được dịch thì cần tạo điều kiện cho người dân đi lại, di chuyển trong một giới hạn có thể. Đối tượng thứ hai là các phương tiện vận tải, shipper, xe ôm, taxi, bus... Cuối cùng là nới cho doanh nghiệp (DN), vì DN chỉ có thể trở lại hoạt động và cần nới lỏng khi người lao động có thể đi làm được.

Cần ưu tiên mở cửa cho những DN đang hoạt động trong lĩnh vực thế mạnh của từng địa phương, ví dụ TPHCM là dịch vụ, Bình Dương là công nghiệp, địa phương khác là nông nghiệp... Cùng với đó là xem xét mở cửa đối với những doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho ngân sách nhà nước, đóng góp cho sự phát triển của địa phương hoặc tạo nhiều việc làm cho xã hội. Cần xây dựng những tiêu chí cụ thể và sử dụng tiêu chí đó để đánh giá DN. Cần tỷ trọng hóa một đồng DN làm ra có bao nhiêu phần trăm đóng góp cho ngân sách nhà nước, bao nhiều phần trăm đóng góp cho GDP của địa phương, bao nhiêu phần trăm góp phần tạo việc làm cho người lao động.

Khi giãn cách xã hội ở hai đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, có nguy cơ một bộ phận DN FDI tính đến việc di dời cơ sở sản xuất kinh doanh của mình ra khỏi TPHCM, thậm chí ra khỏi Việt Nam. Đây là câu chuyện đã từng xảy ra ở Trung Quốc năm 2020. Vậy chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn nguy cơ đó?

Các DN FDI hiện nay có hai vấn đề đặc biệt khó khăn. Điều đầu tiên cần quan tâm là thiếu lao động thực hiện các đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài. Các biện pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16, chính sách "3 tại chỗ" hay "1 cung đường 2 điểm đến" đang được thực hiện ở TPHCM và các tỉnh phía Nam đã tác động không nhỏ đến cộng đồng DN. Nhiều DN nhỏ đã phải đóng cửa vì họ không chịu nổi chi phí đó. Ngay các DN lớn cũng cảm thấy rất khó khăn vì số lượng lao động ở những DN này rất lớn. Không nên kéo dài tình trạng này, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho DN. Do đó vấn đề đầu tiên của các DN FDI là phải có người lao động. Diều đầu tiên là phải có kế hoạch tháo gỡ khó khăn để DN có điều kiện giữ chân người lao động.

Ảnh minh họa

Khó khăn thứ hai của DN FDI là chuỗi cung ứng đang đứt gãy. Các nguyên vật liệu đầu vào của họ chỉ có một phần nhỏ là được các DN nội địa cung cấp, còn phần lớn là nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Do dịch bệnh, giao thông vận tải của chúng ta cũng đang bị đứt gãy nên cần có biện pháp để thúc đẩy hoạt động vận tải trở lại, tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu từ cảng đến DN. Những chính sách như vậy cần thực hiện khẩn trương, càng kéo dài càng thiệt hại.

Ông đã nói về những giải pháp từ phía nhà nước, vậy về phía DN thì cần có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Theo tôi, các DN cần phải lên một phương án đầy đủ. Những nguyên tắc hiện nay chúng ta đang áp dụng cho phòng chống dịch như 5K, 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến... thì ngoài 5K vẫn cần được thực hiện nghiêm túc, những nguyên tắc khác cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, giảm bớt khó khăn cho DN, tùy thuộc vào kế hoạch của mỗi DN.

ảnh minh họa

Các DN phải đưa ra kế hoạch nêu rõ phuơng thức đảm bảo phòng chống dịch cụ thể, tỉ mỉ, thuyết phục nếu như không đủ điều kiện thực hiện 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường 2 điểm đến. Mỗi DN phải chủ động xây dựng phương án cho mình và báo cáo chính quyền với cam kết đảm bảo an toàn cho người lao động, chứ không thể ỷ lại Chính phủ, chính quyền địa phương đưa ra những biện pháp phòng chống dịch, biện pháp hỗ trợ để thực hiện mà phải chủ động để tạo điều kiện cho người lao động làm việc, bảo vệ họ và cùng Chính phủ thực hiện các biện pháp chung phòng bệnh chống dịch, điều trị những người nhiễm Covid-19 tại DN.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Từng địa phương có thể xây dựng những phương án cụ thể tùy theo tình hình thực tế phòng chống dịch. Còn ở cấp độ quốc gia, tôi cho rằng phải làm ngay những phần việc liên quan đến rà soát luật pháp, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển chính phủ điện tử, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cho các dự án lớn tầm quốc gia. Cần chuẩn bị kỹ lưỡng để hỗ trợ doanh nghiệp đón cơ hội hoặc đối mặt với những thách thức mà các cam kết quốc tế có thể mang đến, vạch ra kịch bản triển khai ngay từ bây giờ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo về từng lĩnh vực cụ thể, nhưng cần cập nhật nhiều, bớt đi những định hướng chủ quan mà trước đây đã từng có. Cần có những thay đổi về cách làm để mang tính thiết thực và cụ thể hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận