Để xuất khẩu thuỷ sản không 'lao dốc'

Gia Bảch Dù đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhưng thời gian giãn cách quá dài khiến không ít doanh nghiệp thuỷ sản không thể tiếp tục cầm cự đã phải ngừng hoạt động. Ngành thuỷ sản cần một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế.

 

40 - 50% các đơn hàng bị giao trễ hạn

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tính tới cuối tháng 8/2021 chỉ có 30% doanh nghiệp (DN) thủy sản phía Nam đảm bảo được “3 tại chỗ”. Nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu chỉ đạt 40 - 50%. Hiện tại, có 15 nhà máy sản xuất thức ăn chế biến thủy sản và 17 cảng đang tạm dừng hoạt động. Việc bốc dỡ, mua bán, vận chuyển thủy sản gặp khó khăn, vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%, đặc biệt nguồn lao động khan hiếm dẫn đến khai thác, tiêu thụ chậm.

Nguyên nhân là do chậm triển khai tiêm vaccine cho công nhân. Tính tới cuối tháng 8/2021, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho công nhân thủy sản tại miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt trung bình 30 - 40%. Chưa có DN nào được triển khai tiêm mũi 2. Ở Long An, Cần Thơ, Hậu Giang,… hay các tỉnh ven biển miền Trung… tỷ lệ tiêm rất ít, chưa phù hợp với mức độ bùng phát dịch.

Xuất khẩu thuỷ sản khó đạt như kỳ vọng

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, trong số 30% nhà máy đang hoạt động cũng chỉ huy động được khoảng 20 - 40% công nhân do số còn lại chưa được tiêm vaccine, vì thế DN không đáp ứng đủ lượng hàng cung cấp cho khách theo hợp đồng đã ký. Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20 - 30% dẫn tới có khoảng 40 - 50% đơn hàng bị giao trễ hạn và khoảng 10 - 15% đơn hàng bị hủy. Nhiều nhà nhập khẩu đã tính đến tìm nguồn cung thay thế, điều chỉnh cắt giảm hàng hoặc ép giá vì tổng chi phí của họ tăng lên.

Theo ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT - chỉ có 30 - 40% số DN có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội.

Giải pháp tháo gỡ

Mới đây, VASEP đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiến nghị một số giải pháp ổn định sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn “3 tại chỗ”. Trong đó, kiến nghị sớm tiến hành tiêm vaccine mũi 1 cho ngành thủy sản, bởi việc thực hiện bộ quy tắc, hướng dẫn thực hiện “Y tế tại chỗ” chỉ là giải pháp tình thế không thể kéo dài do sức chịu đựng của DN có hạn. Đối với các ngành sản xuất, xuất khẩu cần có kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại địa phương.

Trong kiến nghị mới đây của Vụ Kế hoạch gửi tới Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến với nội dung, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn tại địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm vaccine sẽ được đi đâu, làm gì ở các tỉnh, thành phố mà tỷ lệ tiêm vaccine đạt trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, để duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Bên cạnh đó, cho phép xã hội hóa việc xét nghiệm, tiêm vaccine, cho phép DN được chủ động tìm nguồn, mua và chủ động tiêm phòng cho lao động với hướng dẫn của CDC địa phương.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào cuối năm; xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp.

Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa. Chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm tại địa phương nơi có hoạt động của DN.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận