Thịt lợn, gia cầm có thể thiếu trong dịp cuối năm

  • 09/09/2021 10:44:07
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Sản phẩm chậm tiêu thụ, giá liên tục giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi và chi phí cho lưu thông vận chuyển hàng hóa đều tăng khiến người chăn nuôi e ngại tái đàn. Đây là thách thức đối với ngành chăn nuôi trong việc đảm bảo nguồn cung thịt lợn, gia cầm trong thời gian tới.

 

Gà lông trắng chỉ 8.000 đồng/kg

Báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, 7 tháng năm 2021, giá lợn thịt hơi xuất chuồng tại trại và giá gà thịt lông màu, gà công nghiệp trắng liên tục giảm, rõ nét nhất từ tháng 4/2021 sang các tháng 5, 6 và 7/2021. Thời điểm hiện nay, giá từ 50.000 -58.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đồng/kg. So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Ở các tỉnh phía Nam, gà thịt lông màu hiện có giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, ở các tỉnh phía Bắc khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg. Thậm chí, ở các tỉnh phía Nam, giá gà thịt công nghiệp lông trắng có nơi chỉ còn 6.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi ở các tỉnh phía Bắc khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Trong khi giá lợn, gà “chạm đáy” thì giá thức ăn chăn nuôi tăng vù vù. Đại diện Sở NN&PTNT tại các địa phương như Đồng Nai, Nghệ An, Phú Thọ... đều cho biết, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng so với cùng kỳ 2020 từ 16 -36%, khiến giá thức ăn hỗn hợp tăng rất cao trong thời gian qua và chưa có dấu hiệu dừng lại, người chăn nuôi thua lỗ nặng và gặp khó khăn trong việc tái đàn.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ gà lông trắng, gà lông màu trong tháng 8/2021 giảm 30 - 40% so với bình thường. Đặc biệt, từ khi các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Bình Dương, Long An siết giãn cách xã hội, sản lượng giết mổ giảm mạnh”.

Nguồn cung thịt lợn, gia cầm được dự báo sẽ thiếu hụt trong dịp cuối năm. Ảnh: Hà Nguyên

Theo thống kê, các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ đang có khoảng 9,3 triệu con gà lông trắng đã đến tuổi xuất chuồng nhưng tiêu thụ rất khó khăn. Trong đó, trên 4 triệu con đã quá tuổi, trọng lượng mỗi con trên 3,8kg. Hiện nay, các doanh nghiệp chăn nuôi phía Nam chỉ tiêu thụ được 5 - 10% gà công nghiệp lông trắng.

Ông Sinh nhận định, nhu cầu tiêu thụ giảm tới 40%, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng nên người nuôi rất dè dặt tái đàn. Dự báo, thời gian tới, nguồn cung thịt gà có thể sẽ thiếu, đặc biệt là gà ta, vì hiện tại nhiều công ty đang bán trứng giống thành trứng thương phẩm.

Đồng quan điểm, ông Từ Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết, thị trường thực phẩm cuối năm có thể sẽ thiếu hụt lượng gà lớn. Số lượng đàn gà trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện giảm khoảng 30 - 35%. Tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp để duy trì đàn gia súc, gia cầm, nhưng nếu không có giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi thì rất khó khuyến khích nông dân tái đàn.

Ưu tiên tiêm vaccine

Để tránh thiếu hụt nguồn cung đảm bảo thực phẩm nhất là trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Chăn nuôi đưa ra một số giải pháp: Tổ chức kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, công ty chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có. Bên cạnh đó, đa dạng hóa kênh phân phối, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực cho kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, trang bị thêm hệ thống xe bán hàng lưu động vừa phục vụ nhu cầu của người dân vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ vệ sinh, tiêu độc khử trùng, cách ly, lấy mẫu bệnh cho nhân viên các cơ sở giết mổ. Xem xét ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng hoạt động trong chuỗi sản xuất, chế biến, vận chuyển. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi vay vốn để duy trì sản xuất. Cùng với đó, giảm thuế thu nhập và lùi thời gian đóng thuế thu nhập cho các doanh nghiệp. Miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thiết bị chuồng trại chăn nuôi… nhằm giảm giá thành sản xuất.

Nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối, bố trí các vùng đệm, trạm trung chuyển để tập kết hàng hóa từ ngoại tỉnh chuyển về dưới sự kiểm tra, giám sát của lực lượng liên ngành. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị, thời gian tới, Bộ NN&PTNT hỗ trợ Hà Nội định hướng, xây dựng những chợ đầu mối chuyên ngành để tiêu thụ sản phẩm cho hộ chăn nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nhu cầu thực phẩm chăn nuôi từ nay đến cuối năm rất lớn, nhất là dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì sản xuất, nâng cao khả năng tái đàn cho các hộ nuôi, trang trại, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giết mổ, doanh nghiệp chế biến để nắm bắt tốt nhất cơ hội của thị trường.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận