Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với các địa phương tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức sáng 13/9 tại Hà Nội.
Tại hội nghị, các đại biểu cho biết, tình hình sản xuất, lưu thông và xuất khẩu nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp và người nông dân, lực lượng lao động trong nông nghiệp. Trong đó, một số sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi chưa được thu hoạch và tiêu thụ kịp thời ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và chi phí của doanh nghiệp. Trong khi đó, một số địa phương còn đặt ra và áp dụng các quy định ảnh hưởng đến vận tải và lưu thông. Do đó, phần lớn người sản xuất, doanh nghiệp chế biến nông sản thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất và gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản vẫn duy trì thói quen buôn bán thời vụ, chủ yếu thông qua hình thức “trao đổi cư dân biên giới”.
“Tất cả đều cho thấy không phải là không có thị trường xuất khẩu. Thị trường là có và rất lớn khi nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi tại tất cả các trung tâm tiêu dùng lớn. Vấn đề là ở chúng ta, có thể nói là chúng ta phần nào đó đang tự gây phức tạp cho chính mình. Biện pháp chống dịch là cần thiết nhưng nếu quá mức thì sẽ gây ra những khó khăn không đáng có cho sản xuất lưu thông và tiêu thụ nông sản. Chúng tôi đề nghị tháo gỡ ngay những khó khăn này, nhất là ách tắc trong khâu lưu thông”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Trước ý kiến về việc tiếp cận các nguồn vốn và các gói tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng cho ngành nông nghiệp nông thôn có Nghị định 55 của Chính phủ và Nghị định 116 là các chính sách căn cơ để xử lý khó khăn cho lĩnh vực này và có chính sách hạ lãi suất cho các doanh nghiệp.
“Ngày 7/9 vừa qua chúng tôi đã ban hành Thông tư 14, tiếp tục theo chủ trương trước đây là tiếp tục hoãn, giãn tất cả những khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn mà doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch không trả được thì tiếp tục được kéo dài, tiếp tục cơ cấu lại những khoản này. Đây là chính sách rất trực tiếp đối với doanh nghiệp liên quan đến vấn đề làm sao để giải quyết được những khó khăn hiện nay. Bởi vì tình trạng tồn đọng hàng hóa là chuyện có rất nhiều doanh nghiệp hiện nay. Chúng tôi cũng rất muốn các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng như các doanh nghiệp cùng phối hợp với các đơn vị, các ngân hàng để thực hiện tốt chủ trương, chính sách này”, ông Đào Minh Tú cho hay.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, việc điều hành của một số địa phương còn thiếu sâu sát, cứng nhắc, chưa kịp thời, dẫn tới ùn tắc, ứ đọng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. Thậm chí có thời điểm đã vận dụng máy móc, dẫn tới ách tắc. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm chủ động dự báo kế hoạch sản xuất nhằm điều tiết được cung cầu nông sản phục vụ tại chỗ và cung cấp tiêu thụ nội địa, xuất khẩu. Các địa phương cần thống nhất thực hiện thông suốt thủ tục lưu thông vật tư đầu vào, sản phẩm nông sản để giải quyết kịp thời các vướng mắc trên địa bàn. Tổ chức tiêm đủ vaccine cho người lao động hoạt động sản xuất, chế biến chế biến nông sản, sản phẩm chăn nuôi và sản xuất vật tư nông nghiệp.
“Các địa phương phải bảo đảm cho lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; không ban hành thêm các thủ tục, không ban hành thêm các giấy phép, không có quy định sang tải nữa mà các đồng chí kiểm tra chặt chẽ điểm đến, điểm đi và có cách quản lý F0 nếu như lái xe bị dương tính. Tuyệt đối phải bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa giao thông. Đây là điểm rất là khó nên mỗi một địa phương, các đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo sở giao thông vận tải cụ thể như thế”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Lưu ý về việc các bộ không ban hành thêm các văn bản quy định gây cản trở lưu thông hàng hóa, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên nắm bắt tình hình tại “các khu vực, các cảng", bố trí cán bộ phải trực tiếp xuống làm việc với các địa phương, đồng thời, lưu ý nếu để xảy ra tình trạng ùn tắc hay ban hành thêm các chính sách khác thì Bộ phải chịu trách nhiệm về việc này./.
Việt Cường/VOV1