Các tỉnh dư thừa, doanh nghiệp lại thiếu hụt hàng
Diễn biến dịch Covid-19 khiến việc tổ chức sản xuất, đầu vào, thu hoạch, tiêu thụ nông sản đều bị ảnh hưởng do thực hiện Chỉ thị 16 với quy định "ai ở đâu ở yên đó". Các thương lái thu mua, công ty phân phối, chợ đầu mối… gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển, khiến số lượng hàng hoá cần tiếp tục được hỗ trợ, gỡ vướng tiêu thụ còn nhiều.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: Để hỗ trợ kịp thời cho nông dân, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, hàng tuần, ban lãnh đạo tỉnh họp giao ban trực tuyến với các huyện các xã, các group Zalo để kịp thời nắm bắt thông tin người bán, người mua, triển khai bán hàng qua thương mại điện tử. Đoàn thanh niên; hội phụ nữ, hội nông dân… cũng hỗ trợ tích cực nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, lượng nông sản còn chờ thu hoạch khá lớn. Bến Tre còn trên 35.000 tấn cây ăn quả, 300 triệu trái dừa ăn quả, 140 triệu trái dừa công nghiệp cùng sản lượng lớn thủy hải sản như tôm, nghêu sò…
Theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, sản lượng lúa sẽ thu hoạch của tỉnh này là 367 ngàn tấn. Bên cạnh đó là 150 ngàn tấn hoa màu thu hoạch trong tháng 9; trong tháng 10 và 11 khoảng 112 ngàn tấn/tháng và tháng 12 là 125 ngàn tấn. Trà Vinh còn có trên 100 ngàn tấn trái cây và khoảng 105 ngàn tấn thuỷ, hải sản cần được tiêu thụ trong thời gian tới.
Trong khi hàng hoá tại các tỉnh dư thừa thì ở các hệ thống phân phối có tình trạng khan hiếm một số mặt hàng. Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại Công ty MM Mega Market Việt Nam, cho biết: “Về hàng đông lạnh, chúng tôi ký hợp đồng với các nhà máy chế biến thực phẩm ở ĐBSCL nhưng vì DN thực hiện “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” nên năng suất giảm mạnh, các nhà máy sản xuất hàng đông lạnh đang hoạt động dưới công suất, chủ yếu trả nợ các đơn hàng xuất khẩu đang tồn đọng” - bà Nga giải thích.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Phòng Kinh doanh, Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết: Bình quân, mỗi tháng, Saigon Co.op tiêu thụ khoảng 500 tấn cá, thuỷ hải sản. Trong thời gian giãn cách xã hội, Saigon Co.op kết nối trực tiếp với các hộ nông dân, sẵn sàng đưa xe xuống chở cá nhưng lại gặp vướng mắc bởi sản phẩm cần là cá đã sơ chế, trong khi nhiều DN sơ chế, chế biến nông sản tại các tỉnh đã tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19.
Những khó khăn cần tháo gỡ
2 tháng nay, DN tại Đồng bằng sông Cửu Long hầu như ngưng sản xuất nên không có doanh số, lợi nhuận để trả lãi nợ vay. Nhưng hiện chỉ có 4 ngân hàng hương mại Nhà nước có tỉ lệ giảm lãi lớn, các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn duy trì lãi suất cao trong khi DN vừa và nhỏ, nông dân chủ yếu vay vốn tại các NH thương mại cổ phần. Các DN trong 2 tháng vừa qua chỉ xuất khẩu khoảng 20% sản lượng, không có dòng tiền về nên trong mùa vụ sắp tới khó thu mua nông sản phục vụ sản xuất. Vì vậy, nhiều nơi kiến nghị ngân hàng Nhà nước xem xét có cách nào giảm lãi vay và có gói vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp nhất để hỗ trợ cho DN.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp kiến nghị: “ Để sớm khôi phục sản xuất thì cần có sự thống nhất quan điểm liên kết giữa các tỉnh để tạo điều kiện cho DN từ tỉnh này qua tỉnh khác thu hoạch, không phải mất thời gian xin phép lại từ đầu, bởi nông sản chỉ cần thu hoạch chậm nửa ngày hoặc 1 ngày là chất lượng đã khác. Bộ NN&PTNT cần có văn bản chỉ đạo các địa phương để thống nhất thực hiện chung”. Về phương án sản xuất, theo ông Thiện, “3 tại chỗ” hay “4 tại chỗ” không thể kéo dài vì bất tiện và chi phí cao. Đề nghị ngành y tế có định hướng dịch tễ để trên cơ sở đó tháo gỡ vướng mắc.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, chợ Hóc Môn và các chợ truyền thống tác động rất mạnh bởi Long An tiêu thụ nông sản ở kênh này là chính. Ngoài ra, việc thương lái rút lui khỏi thị trường cũng để lại hậu quả lớn. Chống dịch nhưng phải song song với duy trì lưu thông, hàng hóa. Long An đã triển khai tiêm vaccine mũi 1 đạt gần 100%, mong muốn áp dụng thẻ xanh để DN bắt tay khôi phục sản xuất.
“Giữa các địa phương ở ĐBSCL chưa có thống nhất về các quy định giao thương toàn vùng. Một DN đi từ TP Hồ Chí Minh về Bạc Liêu phải qua 4-5 tỉnh, mỗi tỉnh có quy định khác nhau, rất cần Bộ Giao thông Vận tải có quy định thống nhất cho 13 tỉnh áp dụng. Bộ NN&PTNT cần có hướng kết nối, hình thành sự giao thoa, thống nhất giữa các địa phương 13 tỉnh ĐBSCL để tạo điều kiện cho DN, thương lái di chuyển, thu mua, tiêu thụ nông thuỷ sản trong vùng”. - Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ.
|
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã đưa ra 5 quy định di chuyển tạm thời, trong đó quy định rất rõ tất cả hàng hoá, trừ hàng hoá bị cấm sản xuất lưu thông, đều là hàng hóa thiết yếu. Tất cả tuyến đường bộ, thuỷ nếu không bị cấm đều phục vụ cho công tác vận chuyển hàng hoá. Tuy nhiên, đâu đó còn có địa phương đưa ra quy định hàng thiết yếu, điều kiện xét nghiệm nhanh hoặc PCR đối với tài xế, phụ xe… Yêu cầu các địa phương quán triệt chung tinh thần của Bộ để triển khai.
Kinh tế phải được liên thông
Tại tọa đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh”, lắng nghe phản ánh từ các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa ra kịch bản ứng phó chung cho các khu vực. Theo Bộ trưởng, việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế gây ra sự chao đảo, mất cân bằng nhiều hơn so với những đợt dịch trước. Thực tế, đã có sự lúng túng ngay khi bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Sự lúng túng cho thấy đã không kết nối không gian giữa 13 tỉnh ĐBSCL như một thực thể mà lại chia cắt bằng địa giới hành chính. Đây là thử thách về tư duy liên kết vùng. Nếu xem toàn vùng như một thực thể thì chúng ta sẽ có ứng xử khác.
Thừa nhận có phần trách nhiệm của Bộ NN&PTNT khi chưa đảm đương được vai trò điều phối để nối mạch máu bị đứt gãy vận hành, Bộ trưởng đưa ra bài học là phải xem lại tư duy vùng. Để thực hiện giãn cách với mục tiêu chống dịch, cần thực hiện chủ trương “người cách ly với người, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh” và “mỗi tỉnh là một pháo đài”. Nhưng, đây là pháo đài chống dịch chứ không thể là pháo đài kinh tế vì kinh tế cần sự liên thông.
Không thể trông mong phép màu nào để vận hành một cách bình thường trong điều kiện không bình thường, nên việc ứng xử phải vừa đi vừa dò đường và sửa sai, hoàn chỉnh, mục đích là tối thiểu hóa rủi ro cho nông dân, chính quyền, DN.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, thương lái có vai trò quan trọng trong mạch máu lưu thông. Đã là một hệ thống thì không có chính - phụ. Cần tư duy lại trong thời gian tới làm sao để tạo được sự liền lạc thông suốt. Chính quyền địa phương và DN cần ngồi lại với nhau để tạo ra một không gian an toàn, bởi mỗi DN có đặc thù riêng./.