Hiện nay, các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, dịch Covid-19 thời gian qua đang làm gián đoạn quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu khiến nhập siêu của công nghiệp chế biến, chế tạo gia tăng, hoạt động của nhiều doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dệt may là ngành đóng góp giá trị cho xuất khẩu và đảm bảo số lượng lớn việc làm cho người lao động, nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước khiến ngành này được nhận định khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nếu dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, các DN dệt may không còn khả năng để duy trì và ổn định sản xuất, khó giữ chân khách hàng tại Việt Nam. Nhiều nhãn hàng nhìn nhận sự bất ổn của thị trường Việt Nam và họ có thể rời đi… là những thách thức rất lớn cho ngành dệt may, da giày...
"Với khó khăn bủa vây, xuất khẩu cả năm nay của ngành dệt may dự kiến chỉ đạt khoảng 32-33 tỷ USD. Trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu ban đầu đặt ra năm 2021 là 39-39,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, người lao động tại các DN cũng ồ ạt rời bỏ các trung tâm sản xuất lớn ở phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... để tránh dịch khiến DN thiếu hụt lao động trầm trọng", ông Vũ Đức Giang nói thêm.
Tương tự với dệt may là khó khăn trong ngành gỗ. Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), trong số 265 DN chế biến gỗ tại vùng trọng điểm phía Nam (gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh), hiện chỉ có 141 DN duy trì hoạt động với số lượng công nhân đang làm việc khoảng 30.700 công nhân trong tổng số 119.300 lao động trước khi thực hiện giãn cách xã hội, tức là 3/4 số lượng công nhân trong các DN này đã phải nghỉ việc.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết, cao điểm xuất khẩu của ngành gỗ bắt đầu từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 11 hàng năm, nhưng năm nay khả năng rất cao trong những tháng còn lại việc hoàn thiện các đơn hàng xuất khẩu rất khó. Nếu không cung ứng đủ số lượng sản phẩm theo đơn hàng đã ký từ trước, khách hàng sẽ có những phương án khác thay thế.
Nêu ra những khó khăn hiện nay, các DN ngành da giày đều cho rằng, ảnh hưởng nặng nhất cho các DN vẫn là tiền phạt chậm giao hàng. Bởi những đơn hàng bị chậm, ngoài việc tăng chi phí vận chuyển bằng máy bay, doanh nghiệp còn có thể bị phạt lên đến cả trăm tỷ đồng. Cùng với đó, DN sẽ không phát triển được đơn hàng cho mùa tiếp theo. Trong khi đó, chỉ cần 1 DN da giày với khoảng 9.000 lao động, chi phí triển khai các biện pháp phòng chống dịch mất khoảng 1 triệu USD, chưa kể chi phí đầu vào tăng 5-10%.
Nhiều hy vọng từ những đơn hàng mới
Đến thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh, thành đang triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại khu vực phía Nam khiến hoạt động sản xuất của các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… đang có cơ hội tiếp nhận được nhiều đơn hàng mới nhờ sự dịch chuyển chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn.
Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đối với ngành may mặc, sau thời gian dồn nén vì tiêu dùng giảm, cuối năm 2020 và đầu năm 2021, sức mua tăng lên giúp DN dệt may có nhiều đơn hàng hơn. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đối với quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa.
Thêm vào đó, sự bất ổn chính trị ở một số nước, vùng lãnh thổ đã ảnh hưởng đến năng lực sản xuất dệt may khiến các nhà mua hàng chuyển hướng sang Việt Nam. Nhờ vậy, DN trong nước có thêm nhiều cơ hội tiếp nhận các đơn hàng xuất khẩu lớn. Hiện tại, nhiều DN dệt may đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III/2021.
Để giữ đơn hàng cho năm tới, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, nhiều DN đã xoay xở, tìm giải pháp duy trì, cố gắng đảm bảo đúng tiến độ đơn hàng. Hiệp hội cũng đã đề xuất phương án mở cửa dần dần với 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 các DN đưa khoảng 30% công suất trong 2 tuần đầu. Từ đó có đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai tăng dần lên 50 – 70% công suất sản xuất.
Phía Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, quan trọng hiện này là làm sao để truyền thông và thuyết phục người lao động nhằm đảm bảo nhân lực trong điều kiện kế hoạch sản xuất biến thiên, thiếu hụt nguồn vaccine tiêm phòng và diễn biến dịch bệnh khó dự báo trước.
Để khôi phục sản xuất riêng với nhóm ngành dệt may, da giày, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân khách hàng, chuỗi cung ứng, trước mắt là để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tranh thủ những đơn đặt hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường khu vực châu Âu, Mỹ để gia tăng sản lượng.
Bộ sẽ củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu. Trước mắt, sẽ tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ta có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản… đặc biệt là phục vụ dịp mua sắm gia tăng cuối năm…/.
Theo VOV.VN