Đây là ý kiến của các đại biểu tại tọa đàm “Nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có gần 400 khu công nghiệp và hàng nghìn cụm công nghiệp lớn nhỏ, thu hút hàng chục nghìn lao động đến làm việc. Trong giai đoạn 2016-2019, khu công nghiệp, khu kinh tế nộp ngân sách trên 400.000 tỷ đồng. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua đã gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư tại các khu công nghiệp. Việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch dẫn đến phong tỏa nhà máy, hạn chế di chuyển người lao động trong các khu công nghiệp, làm đình trệ sản xuất, tăng chi phí sản xuất, giảm công suất và sản phẩm, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu...
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP SHINEC, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Thành phố Hải Phòng cho biết, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 khiến nhiều khu công nghiệp sau dịch đối mặt với thách thức về thiếu hụt nguồn lao động:
Chúng ta muốn thu hút được nhiều giá trị đầu tư cho đất nước, thì Luật Đất đai, cũng như tất cả Luật về đầu tư phải tích hợp được với nhau và nó có sự thống nhất. Qua Covid-19 chúng ta đều thấy một vấn đề, lực lượng lao động là một trong những lực lượng quan trọng, lao động mà không có nhà ở, thì khi chúng ta quản lý lực lượng này sẽ rất khó.
Một số ý kiến tại diễn đàn đã nêu những hạn chế trong phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế như, quy hoạch phát triển chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể. Mô hình phát triển các khu công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với nguồn lực phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tiềm năng về đất, chưa thực sự tạo ra được các cụm sản xuất có quy mô để tăng khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Cùng với đó, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế còn hạn chế về hàm lượng khoa học kỹ thuật chưa cao… Chúng ta muốn thu hút đầu tư mạnh mẽ thì Luật Đất đai, cũng như tất cả luật về đầu tư phải tích hợp được với nhau và có sự thống nhất.
Các chuyên gia tại tọa đàm nhận định, yêu cầu đặt ra cho chúng ta đó là phải sớm kiểm soát được dịch Covid-19, tiêm vaccine cho người lao động nhằm ổn định tâm lý của các nhà đầu tư. Cần có các giải pháp mới để vừa giữ chân của các nhà đầu tư hiện có, vừa thu hút thêm các dự án đầu tư mới và thực hiện các định hướng thu hút đầu tư để phát triển khu công nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục rà soát hoàn thiện về chính sách pháp luật để đảm bảo đồng bộ về quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và đô thị. Xây dựng hoàn thiện về tiêu chí, tiêu chuẩn quy mô sử dụng đất phù hợp với mô hình sản suất.
Ông Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư nêu quan điểm, cần chú trọng phát triển các mô hình khu công nghiệp mới, như khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp hỗ trợ, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... :
Thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế phải theo hướng bảo đảm đồng bộ với tốc độ phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển các mô hình khu công nghiệp mới, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ 4.0, công nghệ cao, hiện đại theo yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế số, và thân thiện với môi trường
Còn theo ông Vũ Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng, cần nghiên cứu mô hình khu công nghiệp "đa chức năng" thể hiện lối sống công nghiệp mới đó là: sống, làm việc, nghỉ ngơi đồng bộ và chất lượng để dần thay thế cho mô hình các khu công nghiệp hiện nay của Việt Nam vẫn chủ yếu “đơn chức năng”, chủ yếu hướng tới mục tiêu tập trung sản xuất, còn nhà ở chỉ mang tính phục vụ sản xuất./.