Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị hoạt động trở lại: Cần nghiên cứu cẩn trọng

Vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động là nhiệm vụ không hề dễ dàng, không thể nóng vội.

 

Đợt dịch lần thứ 4 đã để lại hậu quả nặng nề cho toàn nền kinh tế, xã hội. Gần nửa năm trôi qua, rất nhiều doanh nhân-doanh nghiệp thuộc nhiều ngành, nghề, lĩnh vực không kịp trở tay, do cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan.

Nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, rất nhiều doanh nghiệp đã phá sản. Tất cả đều trông mong những giải pháp đồng bộ, cấp bách để hoạt động trở lại, trước khi có thể phục hồi năng lực. Giải pháp nào là thiết thực, hỗ trợ doanh nhân-doanh nghiệp, trong bối cảnh diễn tiến khôn lường của dịch bệnh?

Sau nhiều tháng giãn cách xã hội, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 của cả nước giảm 4,2% so với tháng trước, giảm 7,4% so với cùng kỳ 2020. Riêng TP.HCM, tháng 8, chỉ số này giảm hơn 49%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm gần 60%. Hơn 18% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc khối Liên minh châu Âu đã rút đơn hàng khỏi Việt Nam. Số doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều; Người lao động mất việc gia tăng… Tình trạng này nếu kéo dài, hậu quả sẽ vô cùng lớn.

“Chúng ta không thể kéo dài mãi tình trạng cứ ở trong nhà mà không làm gì, chúng ta sẽ chết đói. Doanh nghiệp mà 3 tháng không làm gì, không thể tồn tại được và việc kêu gọi hỗ trợ giảm lương là không ổn. Doanh nghiệp phải được hoạt động”, doanh nhân Lưu Hải Minh – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chia sẻ.

“Không thể để tình trạng này kéo dài”, Chính phủ cũng đã xác định “phải chuyển đổi mục tiêu từ zero Covid sang sống chung với Covid”. Các doanh nghiệp thuộc nhiều hiệp hội, ngành hàng đồng thuận chủ trương này.

Trong đơn kiến nghị mới gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 14 hiệp hội, ngành hàng, trong đó có Hiệp hội Gỗ và Lâm sản; Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản; Hiệp hội Sữa; Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát; Hiệp hội điện tử; Hiệp hội dệt may; Hội Lương thực thực phẩm… nêu nhiều khó khăn, bất cập cho thấy tính cấp thiết của vấn đề.

Các Hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng cần trao quyền chủ động trong sản xuất và phòng chống dịch cho các tổ chức, doanh nghiệp. Không nên yêu cầu đóng cửa nếu phạm vi lây nhiễm hẹp, ví dụ như chỉ xuất hiện F0 ở một dây chuyền, phân xưởng hay một bộ phận riêng biệt.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp cho rằng cần trao quyền chủ động trong sản xuất và phòng chống dịch cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM khẳng định, giãn cách, phong toả kéo dài khiến các doanh nghiệp đã chạm ngưỡng áp lực có thể chịu đựng nếu chưa sớm có các biện pháp nới lỏng sản xuất.

“Trước đây chúng ta thực hiện mô hình 3 tại chỗ thời gian đầu cũng có những hiệu quả tích cực, nhưng thực tế cho thấy mô hình này không thể kéo dài vì nhiều lý do về tốn kém tài chính, nhân lực và tâm sinh lý chỉ chịu đựng được 1 thời gian nhất định. Lượng hàng xuất khẩu sút giảm 30%, lượng hàng nội địa không có sụt giảm nhiều nhưng nếu cứ tiếp tục doanh nghiệp sẽ kiệt quệ. Cho nên, phải thay đổi chiến lược phòng chống dịch là phù hợp, để khởi động lại nền kinh tế”, bà Chi chỉ rõ.

Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam và ông Lương Hoàng Hưng - Phó Chủ tịch Liên Hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam cũng khẳng định, mặc dù tin học hay thương mại điện tử là 2 lĩnh vực không chịu quá nhiều tác động tiêu cực của đại dịch, nhưng đứt gãy chuỗi cung ứng về lâu dài cũng không tạo được nguồn thu ổn định cho khối doanh nghiệp này. Bởi vậy, gỡ khó cho các doanh nghiệp, ngành hàng chủ lực là tạo điều kiện duy trì và phục hồi cho toàn nền kinh tế.

“Với những biến thể của Covid có thể tiếp tục có những đợt dịch bùng phát, có thể mạnh, nhẹ. Sản xuất của doanh nghiệp cần thích nghi, trong đó cần chuyển hệ thống sản xuất, phân phối từ tập trung thành phân tán, mà không phải là 1 địa phương, để khi xảy ra dịch ở 1 địa phương nào đó – phải cách ly cục bộ, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Với tất cả những giải pháp như vừa rồi là đúng nhưng nếu cứ phải giới nghiêm, cách ly đến độ không ai được đi ra đường thì rõ ràng là bất lợi. Cần có kho hàng phân tán, sản xuất phân tán để nếu nơi này bị, chúng ta sẽ mở rộng những nơi không bị, để sản xuất vẫn được tiếp tục”, ông Hưng cho biết.

“Có những doanh nghiệp họ chuyển đổi các kho hàng và sản xuất phi tập trung nên không bị đứt gãy. Đại dịch xảy ra họ vẫn có thể tổ chức giao hàng và cung cấp hàng hoá cho các nơi, vẫn đạt doanh số 80% so với trước đại dịch. Phải thay đổi từ sản xuất từ tập trung sang phi tập trung. Nếu chúng ta vướng vào cơ chế tập trung thì khi xảy ra dịch hoàn toàn bị tê liệt”, ông Thắng nói.

Thực tế, sau khi đón nhận ý kiến kiến nghị, Chính phủ đã và đang nghiên cứu, hướng tới các giải pháp phù hợp, trên tinh thần “sản xuất kinh doanh sống chung – an toàn với Covid”.

Tại Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp” diễn ra chiều 20/9 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ: Các doanh nghiệp là trung tâm để xử lý việc này là địa phương. “Các địa phương trước hết có các hội nghị gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với các doanh nghiệp sớm nhất tuần tới - quán triệt triển khai tinh thần phục hồi sản xuất trong tình hình hiện nay. Các tỉnh có những hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp có phương án; trên cơ sở đó chúng ta thông qua phương án sản xuất, phương án phòng, chống dịch - giải quyết những vấn đề liên”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho công nhân-lao động là nhiệm vụ không hề dễ dàng – không thể nóng vội. Bài học từ ngành du lịch còn đó. Hồi cuối tháng 4, vì muốn khôi phục hoạt động du lịch, toàn ngành đã đơn thư cầu cứu khắp các Bộ, ngành, Chính phủ và được chấp thuận. Cùng với sự xuất hiện của biến chủng Delta, chỉ vài ngày sau khi guồng máy du lịch đi vào hoạt động, đợt dịch thứ 4 bùng phát, hậu quả kéo dài chưa biết đến khi nào mới có thể khôi phục.

Doanh nghiệp cần được hoạt động trở lại – đó là nhu cầu thực tế và cần kíp, trước khi có thể khôi phục năng lực sản xuất kinh doanh. Trong đó, tính chủ động và chịu trách nhiệm là cần thiết, nhưng sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa các lĩnh vực ngành nghề, giữa các tỉnh, thành, ngành với nhau, quan trọng hơn nhiều. Tình thế hiện tại không cho phép “mạnh ai-nấy làm, mạnh tỉnh-thành-ngành nào tỉnh-thành-ngành ấy làm”. Đó là lí do Chính phủ cần có những nghiên cứu cụ thể, cẩn trọng trước khi đáp ứng nguyện vọng từ các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp./.

Thu Trang/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận