Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, xin Thứ trưởng cho biết những ưu tiên của ASEAN trong hợp tác kinh tế là gì?
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế ASEAN và thế giới, Brunei đã đưa ra chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2021 là “Cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng” với 13 ưu tiên, sáng kiến hợp tác kinh tế như: xây dựng Khung kinh tế tuần hoàn, xây dựng bộ công cụ đánh giá các biện pháp phi thuế quan; lộ trình thúc đẩy chuyển đổi số ASEAN, v.v…
Bên cạnh việc triển khai 13 sáng kiến về hợp tác kinh tế của ASEAN cho năm 2021 do Brunei đề xuất, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã tích cực thảo luận việc tiếp tục triển khai các sáng kiến về hợp tác kinh tế do Việt Nam đề xuất với cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020, tiêu biểu như: Kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN; mở rộng Danh mục hàng hóa thiết yếu của ASEAN nhằm đối phó với dịch Covid-19; thực hiện Biên bản Ghi nhớ về việc xử lý các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Các nước ASEAN nhất trí tiếp tục duy trì các cam kết về mở cửa thị trường đối với thương mại và đầu tư, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm tạo thông suốt lưu chuyển hàng hóa trong khu vực, củng cố mạng lưới sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng khu vực bền vững, ứng dụng công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, đưa ASEAN trở thành một Cộng đồng kinh tế vững mạnh, điểm đến đầu tư hấp dẫn trong tương lai.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần này đã đưa ra những giải pháp trọng tâm gì, thưa thứ trưởng?
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với kinh tế, xã hội toàn thế giới, đặt ra cho Việt Nam và ASEAN những vấn đề cấp bách cần giải quyết để hồi phục kinh tế. Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo thực hiện đồng thời các biện pháp chống dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Nhiều sáng kiến đã được thông qua như Kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN, Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19, Kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN - Nhật Bản, v.v...
Các Bộ trưởng ASEAN cũng nhất trí về sự cần thiết duy trì các cam kết về mở cửa thị trường hạn chế áp dụng các biện pháp gây hạn chế không cần thiết đối với thương mại, nỗ lực hơn nữa trong xử lý các hàng rào phi thuế quan, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm thúc đẩy thương mại nội khối, ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Nhằm góp phần thúc đẩy thương mại khu vực, duy trì và củng cố các chuỗi cung ứng, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, Việt Nam và các nước ASEAN đã chủ động đề xuất xây dựng định hướng chung cho việc nâng cấp các FTA ASEAN + 1 nhằm đảm bảo hiệu quả của việc nâng cấp các hiệp định này, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp ASEAN, đồng thời tiết kiệm nguồn lực của ASEAN. Việc xây dựng cách tiếp cận chung cho công tác nâng cấp các FTA ASEAN+1 cũng góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa ASEAN và các đối tác ngoại khối như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Trung Quốc.
ASEAN đã hoàn tất đánh giá giữa kỳ Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025. Dựa trên đánh giá này, các Bộ trưởng đã thống nhất xây dựng các giải pháp nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của AEC trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 phù hợp với bối cảnh mới trong khu vực cũng như giúp ASEAN vượt qua các thách thức trên quy mô toàn cầu. Đây sẽ là các giải pháp toàn diện, nhằm cải thiện tình hình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ nay đến năm 2025, tập trung vào những khuyến nghị như theo đuổi cách tiếp cận chủ động và chiến lược hơn trong quan hệ đối ngoại, thúc đẩy phát triển AEC công bằng, bao trùm và bền vững, thực hiện chiến lược toàn cộng đồng về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số, v.v… nhằm mục tiêu giúp ASEAN trở thành một không gian kinh tế rộng lớn hơn, quy mô hơn, mang tính gắn kết chặt chẽ và bền vững, đặc biệt là việc tận dụng một cách hiệu quả các ưu thế của các thành viên ASEAN, tận dụng cơ hội tốt hơn trong quá trình hội nhập với các khu vực khác trên thế giới.
Có thể nói thế nào về vai trò của Việt Nam cũng như những đóng góp, sáng kiến mà Việt Nam đưa ra trong Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần này?
Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bru-nây và các nước ASEAN khác triển khai 13 sáng kiến về hợp tác kinh tế của ASEAN cho năm 2021 do Bru-nây đề xuất. Kết quả đạt được cho đến nay là có 4/13 sáng kiến được hoàn thành. Việc hoàn thành các sáng kiến sẽ góp phần quan trọng củng cố, tăng cường sức mạnh nội khối, nâng cao vai trò của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đồng thời giúp ASEAN chủ động ứng phó với các thách thức trong tương lai.
Trước tình hình các nước ASEAN đang hứng chịu đợt bùng phát nghiêm trọng của dịch Covid-19 trong năm 2021, gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực, Việt Nam đã tích cực tham vấn nhằm thống nhất bổ sung thêm 107 mặt hàng nông sản, thực phẩm vào Danh mục hàng hóa thiết yếu của ASEAN. Sáng kiến của Việt Nam nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân ASEAN trong thời gian đại dịch.
Ngoài ra, ta cũng chủ động đề xuất những định hướng quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa ASEAN và các đối tác ngoại khối như nâng cấp các hiệp định thương mại tự do ASEAN+1, xây dựng các chương trình hợp tác với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Liên bang Nga.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!