Để nông nghiệp trở thành 'thước đo mức độ bền vững của quốc gia'

  • 23/09/2021 14:43:53
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là 'đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo...'. Trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

 

“Điểm nghẽn” chuyển đổi số nông nghiệp

Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định tầm quan trọng của việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá, là cơ hội để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tại diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Có thể nói, để hiện thực hóa khát vọng phát triển của đất nước, thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam phải chuyển đổi số thành công. Trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên cần thực hiện chuyển đổi số trước tiên như đã được xác định trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia”.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Đơn cử, trong trồng trọt bắt đầu ứng dụng công nghệ IOT, Big Data thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực… Công nghệ IOT, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản. Công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng... Trong thủy sản có thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu - thả lưới chụp, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường, công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), công nghệ biofloc, công nghệ nano, công nghệ nuôi lồng trên biển, công nghệ nuôi cá nước lạnh.

Tuy nhiên, báo cáo Tổng quan nông nghiệp số Việt Nam 2021 cho thấy, tỷ lệ công ty nông nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số còn thấp. Bốn nguyên nhân chính  được chỉ ra là nhận thức sai lầm, không gắn kết được lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh, thiếu nguồn lực cần thiết và thiếu hệ sinh thái số thuận lợi. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, hạn hạn, lũ lụt, xâm nhập mặn đã và đang tác động tiêu cực đến nông nghiệp Việt Nam, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng...

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên cần thực hiện chuyển đổi số như đã được xác định trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Nhìn thẳng vào sự thật, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sản lượng nông nghiệp Việt Nam đã dần chạm ngưỡng do giới hạn về trình độ khoa học kỹ thuật, sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, dịch bệnh bất thường… Diện tích đất sản xuất nông nghiệp càng ngày càng thu hẹp. Việc phân bổ, cân đối hài hòa tương quan nguồn lực phát triển giữa ngành nông nghiệp với các ngành, khu vực khác cần lời giải thỏa đáng.

Thay đổi từ tư duy

Nhằm chuẩn bị cho sự bứt phá của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19, với tinh thần “ngoại giao phục vụ phát triển”, “lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ”, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận, tham gia các xu thế lớn của thế giới, nắm bắt thời cơ phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và chuyển đổi số.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định quan điểm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Hành trình này sẽ cần đến những bước tiến mạnh mẽ, quyết tâm để thực hiện kiên trì, bền bỉ, xuyên suốt trong kế hoạch hành động 5 năm tới của ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp không còn chạy theo sản lượng như trước, mà phải chú trọng chất lượng. Không thể làm đơn giá trị mà phải sản xuất đa giá trị. Phải kết nối đầu vào với đầu ra trong chuỗi liên kết giá sản xuất. Vì vậy, chính quyền và nông dân phải thay đổi tư duy về vai trò của doanh nghiệp với hiệp hội ngành hàng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết ủng hộ, hỗ trợ mọi nguồn lực, chính sách thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp mong muốn đưa nông sản Việt gia tăng giá trị, nâng cao thương hiệu. Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, thay thế các mô hình công nghệ nông nghiệp… đưa đất nước tiến lên, vượt qua đại dịch và vì một nền nông nghiệp Việt Nam không chỉ là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn, mà đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của Quốc gia”.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Covid-19 đang gây rất nhiều khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp nắm bắt thời cơ chuyển đổi số, ghi tên mình trên bản đồ nông nghiệp quốc tế. Phát triển các sản phẩm tiềm năng ở các địa phương cần có một chương trình hành động cụ thể và phù hợp thực tiễn. Việc đưa công nghệ cao, chuyển đổi số vào nông nghiệp cần có sự phối hợp và vào cuộc hỗ trợ nhiều hơn nữa của các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương, tăng cường hoạt động trao đổi của các diễn đàn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Nhân, đại diện Tập đoàn Tôm Việt Úc cho biết, không ít người cho rằng, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là cần vốn lớn gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, đối với Tôm Việt Úc, khó khăn không phải là nguồn vốn mà là tư duy. Tôm Việt Úc tư duy chuyển đổi số đem lại lợi ích gì cho khách hàng, người tiêu dùng cuối cùng. Từ đó, thúc đẩy chính khách hàng và người dùng cũng chuyển đổi số để người tiêu dùng khi ăn một con tôm, họ sẽ được biết con tôm đó được nuôi trong ao nào, thời gian từ ngày nào đến ngày nào, có dịch bệnh gì không.

Ở góc độ địa phương ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin -  truyền thông tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn phát triển chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn trong điều kiện tỉnh miền núi, cả doanh nghiệp, chính quyền và nông dân đều thiếu tiền để đầu tư. Xác định hai khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số hiện nay là thay đổi hành vi, thói quen của nông dân từ việc hái rau đem ra chợ làng để bán chuyển sang bán hàng trên nền tảng số, Lạng Sơn đã có cách làm của riêng mình, đó là chọn người tiên phong, “dẫn đường”, là người đứng đầu các cấp, từ Bí thư và Chủ tịch từ tỉnh đến xã, thôn bản... và thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực./.

Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 nêu rõ, nông nghiệp là một trong những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Theo đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận