Thống kê cho thấy, kể từ ngày 1/1 - 31/7, tổng cộng có gần 1.090 xe hàng tạm nhập tái xuất qua Cửa khẩu Kim Thành, số thu dịch vụ hạ tầng đạt xấp xỉ 6 tỷ đồng. Nhưng chỉ riêng trong tháng 8, số xe hàng tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu này đã đạt .1880 xe, mang về doanh thu hạ tầng 1,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tháng 8 cũng là khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phương tiện vận tải di chuyển trong nội địa gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng là thời điểm Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh Lào Cai ban hành ngày 16/7 có hiệu lực, trong đó, có nội dung sửa đổi mức phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, toàn bộ xe vận chuyển hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng nước ngoài gửi kho ngoại quan để xuất khẩu, hàng quá cảnh, nhập nguyên liệu để gia công cho đối tác nước ngoài, xuất gia công cho đối tác nước ngoài, nhập nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu, xuất sản phẩm xuất khẩu đều được áp mức phí dịch vụ hạ tầng như đối với xe vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường, tức trong khoảng từ 120.000 - 800.000 đồng/xe tùy kích cỡ, tải trọng; riêng mặt hàng quặng, tinh quặng tính phí 50.000 đồng/tấn. Trong khi trước kia, nhóm mặt hàng này chịu sự phân biệt bằng việc áp mức phí hạ tầng rất cao từ 1 - 6 triệu đồng/xe.
Theo bà Đào Thị Quỳnh Lưu, Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Xuân Phát, bãi bỏ phân biệt đối với các mặt hàng như tạm nhập tái xuất là đòn bẩy trực tiếp trong thu hút hàng hóa từ các địa phương khác, đặc biệt là cảng Hải Phòng về qua cửa khẩu Lào Cai để sang Vân Nam (Trung Quốc), mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chuyên dịch vụ vận tải, kho bãi như Xuân Phát.
“Chúng tôi chủ yếu đi quặng sắt, quặng đồng tạm nhập tái xuất. Như ngày xưa 6 triệu giờ còn khoảng 1,5 triệu/xe hơn 30 tấn. Sau khi thay đổi hàng hóa đi được nhiều hơn. Trước đây, 1 tháng chỉ đi được tầm 20 xe, giờ 1 tháng đi được 300 xe, doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn, không riêng gì quặng mà các hàng khác nữa”, bà Lưu chia sẻ.
Ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, nếu tính mức thu theo đầu xe thì chính sách mới giảm đi đáng kể, nhưng tổng nguồn thu cho cửa khẩu sẽ không giảm mà thậm chí còn tăng vì lượng phương tiện tăng, kết quả bước đầu đã chứng minh điều đó. Dự báo thời gian tới, mặt hàng tạm nhập tái xuất qua Lào Cai sẽ còn sôi động hơn nữa.
“Ngoài phần thu hạ tầng còn góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu, rồi thúc đẩy một loạt dịch vụ liên quan như vận tải, bốc xếp, các dịch vụ tiêu dùng cá nhân. Và các doanh nghiệp làm tạm nhập tái xuất có thu nhập cũng tạo nhiều điều kiện công ăn việc làm cho công nhân viên, nhà nước thì thu về thuế thu nhập doanh nghiệp, nguồn thu gián tiếp từ cửa khẩu sẽ rất nhiều”, ông Thuận cho hay.
Qua tìm hiểu phóng viên được biết, trước kia, vào giai đoạn 2014 - 2020, cao điểm mỗi ngày có vài trăm phương tiện chở hàng tạm nhập tái xuất (chủ yếu là hàng đông lạnh như nội tạng động vật) từ các địa phương lên Lào Cai để qua cửa khẩu phụ, lối mở thuộc Bản Vược (Bát Xát), Mường Khương sang Trung Quốc. Mức phí hạ tầng cao được đưa ra nhằm hướng trực tiếp tới các loại phương tiện này. Không chỉ riêng Lào Cai mà các địa phương khác trên tuyến biên giới phía Bắc cũng tương tự.
Tuy nhiên, về sau, hàng đông lạnh tạm nhập không còn được khuyến khích. Dấu mốc quan trọng là Thông tư 09 ngày 14/5/2020 của Bộ Công Thương quy định: kể từ 0h ngày 1/1/2021, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu qua biên giới đất liền chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương.
Điều đáng nói, hàng hóa tạm nhập tái xuất không chỉ riêng hàng đông lạnh, mà còn rất nhiều mặt hàng khác như quặng, linh kiện điện tử, các loại hạt mắc ca, đậu tương, lạc, đỗ xanh… có nhu cầu qua Lào Cai nhưng gặp rào cản là mức phí quá cao khiến sức cạnh tranh của cửa khẩu giảm thấp trong thời gian dài.
Việc bãi bỏ chính sách phân biệt xe cộ trong thu phí hạ tầng cửa khẩu ở Lào Cai được đánh giá là hết sức đột phá, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trong đó có tiếp thu ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát huy vai trò cầu nối của cửa ngõ quốc gia, thúc đẩy tính liên kết vùng, hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2025.
Song song với mở cơ hội cho hàng tạm nhập tái xuất, các hàng hóa khác tại Lào Cai cũng được tạo điều kiện thuận lợi khi qua cửa khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, trong vành đai phòng dịch hiệu quả suốt những tháng vừa qua.
Đến thời điểm này, dù chịu nhiều tác động của Covid-19, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua Lào Cai từ đầu năm đến nay vẫn đạt 2,6 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kì năm trước; tổng phương tiện xuất nhập cảnh đạt 225.000 lượt./.
Theo VOV.VN