Nhập siêu 2,13 tỷ USD
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, xuất khẩu hàng hóa đang có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 8 đến nay. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 83,72 tỷ USD, tăng 25%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 158,93 tỷ USD, tăng 33,6%.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng cần nhập khẩu trong tháng 9 ước đạt 24,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 215,8 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 88,94% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 14,77 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nhóm hàng này, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng 14,9%; bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 36%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 47,6%, phế liệu sắt thép tăng 96%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 62,1%...
Tính chung 9 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD.
Còn theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu 9 tháng qua ước đạt 18 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 giảm 15,9% so với tháng trước đó, đến tháng 9 đạt 3 tỷ USD tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8... Các chuyên gia nhận định, quý IV sẽ là khoảng thời gian “cực kỳ khó khăn” đối với các doanh nghiệp ngành dệt may khi vẫn phải đối diện với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tận dụng thời điểm “vàng” cuối năm
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến nhập siêu trong 9 tháng năm 2021, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, vào quý 2 và quý 3 năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến các trung tâm sản xuất lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, cùng các tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long... Chỉ tính riêng khu vực 19 tỉnh thành phía Nam đã tương đương 45% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều đó cho thấy, dịch đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và qua đó tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới phục hồi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất. Giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao. Giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu.
Theo ông Trần Thanh Hải, nhìn chung 9 tháng, Việt Nam nhập siêu khoảng 2,13 tỷ USD, so với kim ngạch xuất khẩu chỉ tương đương 0,8%, nên đây không phải là khoảng cách quá lớn. Trong khi đó, chúng ta vẫn còn 3 tháng của quý 4, nếu như không có biến động lớn thì nhiều khả năng đến cuối năm 2021, cán cân thương mại của Việt Nam có thể cân bằng và nếu lạc quan hơn, Việt Nam có thể xuất siêu ở mức thấp. Bởi cuối năm luôn được đánh giá là thời điểm “vàng” để gia tăng xuất khẩu do nhu cầu của thị trường rất cao. Đặc biệt là nhu cầu về mua sắm, tiêu dùng trong các dịp lễ như noel, năm mới... Đây là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng, cải thiện và bù đắp những hao hụt trong hoạt động xuất khẩu từ đầu năm đến nay.
Để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Riêng với thị trường Trung Quốc, trong đầu tháng 10 cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc và phía chính quyền các tỉnh giáp biên để đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất hàng hóa qua cửa khẩu...
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, hiện dịch bệnh còn phức tạp ở các tỉnh phía Nam và hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp vẫn gặp khó. Để kim ngạch xuất khẩu tăng, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực khắc phục và cần sự hỗ trợ hiệu quả từ các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là đẩy mạnh các giải pháp khơi thông dòng chảy thị trường, phân phối, vận chuyển và các gói hỗ trợ như miễn giảm thuế phí, lãi suất cho vay, lao động.../.