Tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi hậu đại dịch Covid-19

Để thích ứng an toàn, sống chung với dịch và phục hồi sau dịch, cộng đồng DN kỳ vọng các chính sách hỗ trợ cần 'mạnh tay', đồng bộ, thống nhất để DN vượt khó...

 

Mặc dù tình hình hiện nay dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát nhưng nguyên liệu đầu vào, giá cả tăng “chóng mặt”, đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng ở một số nước… đã làm tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp (DN). Cùng với đó, khó khăn liên quan đến tài chính và dòng tiền vẫn đang là một gánh nặng của doanh nghiệp…

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, Tổng giám đốc T&M Forwarding kiến nghị, cần có chính sách giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng: “Những chính sách làm tăng chi phí hoạt động của dịch vụ logistics nên có sự kiểm soát và cắt giảm. Cụ thể, như chi phí liên quan đến vận tải, nhiên liệu, BOT, phí phát sinh khác như là các phụ phí, hạ tầng, cửa khẩu, cảng biển... nên cân nhắc điều chỉnh, lùi thời gian áp dụng để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp”.

Các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế phát huy được tác dụng thì rất cần có sự đồng bộ.Đồng tình với quan điểm này, ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp mong muốn là có thể giảm một số loại thuế, phí để giảm chi phí kinh doanh. Trong 2 năm ảnh hưởng từ dịch, chính sách hỗ trợ chủ yếu mới dừng ở việc giãn, hoãn các khoản thuế, phí, đến thời hạn doanh nghiệp vẫn phải nộp về cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, cần các chính sách dài hơi hơn, bởi lẽ điều quan trọng nhất là duy trì “sự sống” và dần phục hồi:

“Chúng ta luôn luôn yêu cầu phải thực hiện mục tiêu kép vừa về phòng, chống dịch tốt nhưng vẫn phải đảm bảo sự tăng trưởng của các hoạt động sản xuất kinh doanh; nhưng đối với doanh nghiệp hiện nay, việc quan trọng nhất là duy trì và phục hồi, để duy trì phục hồi thì Chính phủ phải có những chính sách có độ trễ dài hơi hơn. Ví dụ, chính sách về thuế, miễn giảm phí, hạ lãi suất… chúng ta chỉ áp dụng đến 31/12/2021, nhưng thực tế sự phục hồi của các doanh nghiệp để duy trì hoạt động kinh doanh phải kéo dài đến có thể 1 đến 5 năm. Do đó, chính sách của chúng ta mong muốn là cần kéo dài ra để giúp doanh nghiệp có thể phục hồi và tiếp tục phát triển”, ông Mạc Quốc Anh nói.

Các chính sách dài hơi hơn, bởi lẽ điều quan trọng nhất là duy trì “sự sống” và dần phục hồi cho cộng đồng doanh nghiệp.Cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào việc Nhà nước xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các ngành kinh tế có phương án phát triển các hoạt động của mình. Đồng thời, mong muốn Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ nhanh, quyết liệt hơn, quy mô lớn hơn để tiếp tục phục hồi, phát triển sản xuất thuận lợi. Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 trong hai năm qua, ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội hàng không Việt Nam cho rằng, để hỗ trợ kích cầu cần tránh tình trạng chỗ mở, chỗ đóng gây khó cho doanh  nghiệp.

“Cần có chính sách tháo gỡ, khôi phục những đứt gãy mà liên quan đến thị trường của tất cả các ngành, các doanh nghiệp. Cần sớm công nhận hộ chiếu vaccine, đây là cơ hội để chúng ta khôi phục đường bay quốc tế. Những vùng xanh, những khu an toàn nên có chính sách mở cửa. Nếu đồng bộ được các chính sách sẽ sớm khôi phục được thị trường”, ông Bùi Doãn Nề kiến nghị.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế phát huy được tác dụng thì rất cần có sự đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất và tính khả thi để doanh nghiệp có thể thực hiện. Tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp chia sẻ cùng Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh, cũng như chiến lược để đảm bảo mục tiêu kép đó là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh./.

Nguyễn Hằng/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận