Đắk Lắk: Nhà nhà trồng cau, ngày sau chưa biết

  • 27/11/2021 12:22:54
  • Đình Tuấn/VOV Tây Nguyên
  • Kinh tế
  • 0

Theo chuyên gia, người dân chỉ nên trồng cau ở diện tích đất tận dụng được chứ không nên mở rộng trồng đại trà sẽ không tiêu thụ được.

 

Đắk Lắk đang ở cuối vụ thu hoạch cau tươi 2021, với giá bán trái cau non hơn 70 nghìn đồng/1 kg. Tính trong suốt vụ từ tháng 6 tới nay, bất chấp những khó khăn do Covid-19 gây ra, giá cau tươi vẫn đạt mức cao nhất trong lịch sử, từ 60 đến 90 nghìn đồng/1kg. Cau non được giá đã đội giá cau già-cau giống, kích thích phong trào trồng cau lan rộng trong toàn tỉnh. Điều đáng lo là Đắk Lắk chưa có đánh giá chính thức nào về loại cây trồng rất quen và cũng rất lạ này, để nông dân hoàn toàn bị động cuốn theo thị trường, đối mặt nhiều rủi ro.

Để bảo vệ tài sản, người trồng cau ở Đắk Lắk mua lưới kẽm B40 hay dây thép gai về gia cố hàng rào và bọc các buồng cau.

"Cau hiện giờ là bạt ngàn, ai cũng trồng cau. Năm nay tôi đã bán hết 10 vạn cau trong mùa vừa rồi. Nói chung cau cực kỳ dễ trồng. Đầu mùa giá của cau là 90 nghìn đồng, bây giờ là 75.000 đồng/1kg. Kể cả cau có giá 10.000 đồng/1kg thì người trồng vẫn thắng vì ít phải đầu tư, chăm sóc. Cau xuất khẩu được như sầu riêng, nhưng nó lại không vất vả cho nhà nông"- đây là chia sẻ của một chủ vựa cây giống ở xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột - nơi có “Trung tâm cây giống Ea Kmat”, lớn nhất khu vực Tây Nguyên.

Thuyết phục khách trồng cau, nhưng thực tế ở vựa cây này đã không còn cây cau giống nào. Khách chỉ có 2 lựa chọn: Mua trái cau giống với giá 40.000 đồng/1kg hoặc đợi tới đầu mùa mưa 2022 khi cây cau của vựa đủ tuổi xuất vườn.

Cây cau giống đủ tuổi không chỉ đã cạn ở khu vực trung tâm của Đăk Lăk mà ở các huyện trong tỉnh cũng xảy ra tình trạng “cháy hàng”. Anh Hoàng Quốc Việt ở thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea Hleo cho biết, cả anh và người thân của mình đều không thể mua được cau giống trong những ngày gần đây.

"Tôi chỉ trồng theo bờ ranh của rẫy nhà thôi là đã mấy nghìn cây rồi. Đi mua để trồng thì họ bảo là hết rồi, không còn nữa. Tức là giống họ mua về bao nhiêu là bán ngay hết bấy nhiêu. Cách đây mười mấy ngày, có người trong xóm cũng tìm mua cau giống để trồng, nhưng nói chung là cũng không còn nữa", anh Hoàng Quốc Việt cho biết thêm.

Phong trào trồng cau tăng nhanh, cây cau đủ tuổi không còn nhiều, nhưng thị trường quả cau giống lại rất sôi động. Trong khi một số vựa chỉ bán với giá 40.000 đồng/kg, rẻ bằng 1 nửa giá cau non, thì nơi khác trong tỉnh lại lại bán 150.000 đồng/kg hoặc 9.000 đồng 1 trái. Những buồng cau giống, được cho là giống chuẩn, nguồn gốc Đăk Lăk, được nêu giá cao nhất, tới hơn 1 triệu đồng/buồng. Theo anh Quốc Toản, kinh doanh cây giống ở hẻm 162, Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, cau giống giá rẻ là loại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Còn cau tại Đắk Lắk, có giá cao là bởi đã được khẳng định về chất lượng. Tuy nhiên, chính anh Toản cũng không thể nhìn trái hay nhìn cây con mà phân biệt được cau Đắk Lắk với cau từ nơi khác.

Nếu Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên vẫn tiếp tục coi cau là cây trồng ngoài quy hoạch, không có nghiên cứu và đánh giá nào về sản xuất và thị trường, để mặc nông dân bị động, có thể dẫn tới hậu quả không nhỏ.

Trong khi những người bán giống đều tán dương năng suất, chất lượng, giá bán của cau Đắk Lắk và tin vào thị trường cau ngày càng lớn mạnh, có thể đem lại giá trị kinh tế bền vững cho người trồng, thì tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường, Trưởng Bộ môn Lâm nghiệp và Cây ăn quả, Viện khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, không có cơ sở để chắc chắn về điều này. Theo ông, cau chưa được các tỉnh Tây Nguyên coi là cây trồng chính thức, cả 5 tỉnh Tây Nguyên đều chưa có nghiên cứu nào về cau, nên việc đánh giá chất lượng, xác lập quy trình sản xuất, nghiên cứu thị trường vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường vẫn cho rằng, nếu trồng cau một cách khôn ngoan thì chỉ có lợi chứ không có hại.

Theo Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường, bà con cũng không cần phải quá băn khoăn về vấn đề mở rộng diện tích cây cau và không nên trồng cau thuần mà chỉ nên trồng ở bờ dẫn vào lô, vườn nhà, bờ ao, bờ ruộng để chúng ta có thể tận dụng tất cả những diện tích. Bởi, cây cau rất ít cạnh tranh về ánh sáng với những cây khác. Nếu chúng ta trồng thuần, chúng ta đã có những bài học từ rất nhiều loại cây, khi ấy sẽ không tiêu thụ được vì hiện nay xuất khẩu chính ngạch và các sản phẩm từ cau vẫn chưa thật sự rõ ràng.

1ha có thể trồng 3 nghìn cây cau và dễ đạt sản lượng 20 tấn/năm. Thời điểm hiện tại, 1 ha cau như vậy, giá trị kinh tế thu về gấp hơn 10 lần cà phê, Trong kịch bản thấp nhất mà nông dân dự tính, giá cau chỉ còn 10.000 đồng/kg, thì giá trị sản xuất đạt được từ loại cây này vẫn ở mức 200 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, trồng cau ở Đăk Lăk từ trước đến nay vẫn chỉ dừng ở mức độ phong trào, mọi tính toán vẫn ẩn chứa nhiều sai số nên rủi ro là khó lường. Trong bối cảnh này, nếu Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên vẫn tiếp tục coi cau là cây trồng ngoài quy hoạch, không có nghiên cứu và đánh giá nào về sản xuất và thị trường, để mặc nông dân bị động, có thể dẫn tới hậu quả không nhỏ trong vài năm tới./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận