“Cứ phun đi chẳng ai biết”...
Hệ thống 3.450 siêu thị trong cả nước với thế mạnh về diện tích kinh doanh rộng lớn đã trở thành kênh tiêu thụ khổng lồ, hiệu quả cho nhiều mặt hàng, trong đó có nông sản. Trong bối cảnh dịch Covid-19, siêu thị càng khẳng định được tiện ích với sức mua tăng mạnh gấp nhiều lần so với các kênh bán lẻ truyền thống.
Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực miền Bắc của Saigon Co.op, chia sẻ: “Hàng ngày hệ thống Saigon Co.op tiêu thụ gần 500 tấn hàng nông sản, xu hướng này ngày càng tăng lên. Những năm gần đây, Saigon Co.op tập trung công tác thu mua nông sản vụ bằng hình thức khai thác trực tiếp từ vùng trồng hoặc thông qua các hợp tác xã (HTX) lớn trong khu vực để cung ứng cho thị trường 3 miền. Chúng tôi hy vọng hợp tác với các địa phương để đưa nhiều sản phẩm khác vào hệ thống”.
Trong khi siêu thị liên tục có những chiến dịch khai thác, mở rộng nguồn cung thì nhiều sản phẩm nông sản phải bán trôi nổi với giá rẻ, thậm chí có nơi còn chấp nhận vứt bỏ ngoài đồng ruộng bởi giá bán không đủ chi trả công thu hoạch. Nghịch lý này đã diễn ra nhiều năm nay. Lý do các sản phẩm này không được siêu thị thu mua bởi chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, mà chủ yếu là dư lượng hoá chất quá mức cho phép và sử dụng thuốc bảo vệ nằm trong danh mục thuốc cấm theo quy định.
Là người đã từng có 5 năm hoạt động trong lĩnh vực thu mua sản phẩm rau, củ, quả cung cấp cho hệ thống siêu thị Vinmart miền Bắc, ông Nguyễn Văn Hạnh, Thanh Trì, Hà Nội nêu thực trạng, ở những khu vực không có hợp đồng với doanh nghiệp, bà con canh tác không có kiến thức nên bón phân, phun thuốc tràn lan. Ông Hạnh nêu ví dụ nhiều khu vực tại Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh... có thói quen diệt cỏ bằng cách phun thuốc. Loại thuốc này chứa hoạt chất cấm mà khi đã sử dụng thì đến 5 năm sau vẫn cứ cho kết quả tồn dư.
Có những thời điểm, siêu thị khan hàng ông Hạnh đi phát triển nguồn hàng ở rất nhiều nơi, đến với nhiều vùng trồng theo kiểu nông hộ nhưng hầu hết các mẫu sản phẩm khi đưa đi kiểm định đều không đáp ứng yêu cầu. “Chỉ khi đến vùng cao, đi vào khu vực rất sâu của tỉnh Lào Cai, Sơn La… người dân không có tiền mua thuốc mới có được nguồn rau tạm gọi là sạch, có thể chấp nhận được”- ông Hạnh cho biết.
Bà Đặng Thị Cuối, HTX Sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý, Đan Phượng, Hà Nội vận dụng kinh nghiệm từ Đài Loan, canh tác rau hữu cơ trong nhà lưới với phương pháp độc đáo “5 không” gồm: không phun thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc BVTV, không kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi gen nhằm bảo vệ môi trường. Bình quân 1 tháng HTX thu gần 10 tấn rau sạch, giá bán bình quân 40.000 - 50.000 đồng/kg, doanh thu đạt 150 triệu đồng/sào.
Bà Cuối chia sẻ, sản lượng có gấp 10 lần hiện tại vẫn chưa đủ để đáp ứng các đơn hàng của khách, bởi sản phẩm của HTX đem đi kiểm nghiệm lúc nào cũng đảm bảo tiêu chuẩn. Trong khi đó những hộ dân xung quanh sản phẩm trồng ra không có khách mua. Họ cười tôi vì bắt sâu thủ công bằng tay. Họ không tuân thủ “luật” hữu cơ. Kể cả những hộ không sản xuất hữu cơ cũng không tuân thủ các tiêu chuẩn sạch phía doanh nghiệp đưa ra. Họ bảo “cứ phun đi chẳng ai biết”. Thế là các đơn hàng bị trả về. Uy tín giảm sút.
Sạch là thế nhưng sản phẩm của HTX vẫn chưa vào được siêu thị do số lượng “manh mún”. Hướng phát triển trong thời gian tới của HTX là chuyển giao công nghệ cho nhiều hộ cùng làm để tăng sản lượng, hạ giá thành mới đủ năng lực cung ứng đơn hàng với số lượng lớn từ phía siêu thị.
Tạo hành lang an toàn
Làm thế nào để có thể đưa được nông sản vào các hệ thống siêu thị lớn, ông Lê Văn Liêm cho biết, hiện hệ thống của Saigon Co.op có tới 90% sản phẩm là hàng Việt, với gần 1.000 điểm bán. Riêng với mặt hàng rau củ quả thì hàng Việt chiếm toàn bộ kệ hàng của Saigon Co.op. Đó cũng là cơ hội để hàng Việt thắng thế trên thị trường nội địa.
Ông Liêm đưa ra 4 yêu cầu đối với các sản phẩm nông sản, đó là: Sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn thực phẩm, về mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; Sản phẩm phải được kiểm soát tiêu chuẩn từ vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; Cần áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản sau thu hoạch, sơ chế và bao gói, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc tiện lợi; Cần có sự liên kết các vùng trồng để xác định khả năng cung ứng, thị trường tiêu thụ, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Nutrimart, nhận định: “Nông sản của bà con nông dân hiện nay đã cải thiện được chất lượng nhưng chủ yếu vẫn là bán tươi, yếu về sơ chế, đóng gói do số lượng các cơ sở này rất ít. Để đưa hàng hóa lên các quầy kệ trong siêu thị hoặc xuất khẩu, thì việc tăng cường sơ chế, chế biến là không thể chậm trễ. Khi đó, chuỗi siêu thị Nutrimart cam kết sẽ ưu tiên mua hàng hóa của các hệ thống sản xuất vừa và nhỏ cũng như các HTX, hộ nông dân”.
Về phía người sản xuất, ông Nguyễn Văn Hạnh phân tích: nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng của siêu thị sẽ có đầu ra ổn định, giá cả tốt hơn, chất lượng, thương hiệu sản phẩm được nâng tầm. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm như hiện tại khan hiếm rau, củ, quả, nếu bán ngoài thị trường sẽ được giá tốt hơn. Cùng với đó nếu sản xuất theo phương pháp truyền thống sẽ cho năng suất cao gấp đôi, thời gian thu hoạch ngắn ngày hơn. Vậy giải pháp tốt nhất để giữ nguồn cung ổn định là siêu thị mua sản phẩm sạch với giá cao và có điều chỉnh giá linh động phù hợp sát với sự diễn biến thị trường thì người nông dân sẽ kiên trì, chuyên tâm hợp tác lâu dài, bền vững. Ngoài việc người nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, người tiêu dùng cũng phải thay đổi thói quen ham rẻ, nói không với nông sản “bẩn” bởi đã là nông sản sạch không có giá rẻ./.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam:
Tại buổi làm việc mới đây với các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, các đại biểu đều đồng tình với quan điểm của Bộ NN&PTNT là cần tạo ra cơ chế phối hợp không chỉ trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hiện nay mà còn để bảo đảm sự phát triển lâu dài, để nông sản Việt được tiêu thụ ngày càng nhiều trong siêu thị và các kênh phân phối hiện đại; giúp người nông dân hướng đến cách làm chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Đại diện của sàn thương mại điện tử Postmart (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam-Vietnam Post):
Nhu cầu rau, củ, quả của thị trường trong nước và xuất khẩu hiện đều rất cao, và khách hàng cũng tập trung mua nhiều qua các kênh thương mại điện tử. Tuy nhiên, chất lượng là một vấn đề rất lớn vì Postmart tiếp cận chủ yếu với những chuỗi cửa hàng, siêu thị cao cấp trong nước, đòi hỏi những sản phẩm chất lượng cao. Để có thể chủ động bảo đảm nguồn cung và chất lượng sản phẩm, Postmart cam kết sẽ kết nối và đồng hành với các địa phương có vùng trồng nông sản theo tiêu chuẩn và cùng nhau phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Nutrimart:
Các địa phương có thể nghiên cứu, xem xét để đưa các hệ thống sơ chế, đóng gói về cấp Hợp tác xã, từ đó hỗ trợ nông dân trong khâu này. Khi hệ thống sơ chế, đóng gói được đầu tư, Nutrimart cam kết sẽ ưu tiên cho hàng hóa của các hệ thống sản xuất vừa và nhỏ cũng như các HTX, các hộ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực miền Bắc của Saigon Co.op:
Nhu cầu thị trường rất lớn, nhưng lại đòi hỏi nông sản đạt chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là hàng hóa muốn vào kênh siêu thị. Xu hướng mua hàng tại siêu thị đang ngày càng lớn, các đơn vị sản xuất cần bắt nhịp kịp thời để không bỏ lỡ phân khúc cao của thị trường. Do đó, các địa phương cần lưu ý hợp tác xã, bà con nông dân thực hiện các phương pháp sản xuất nông nghiệp sạch để thuận lợi trong việc tiêu thụ.
|