Tiềm năng dồi dào
Không chỉ được biết đến là người tiên phong đưa mô hình du lịch cộng đồng về bản Sin Suối Hồ, Phong Thổ Lai Châu, Anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản còn nổi tiếng với mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng. Năm 2003, được Nhà nước hỗ trợ giống, anh Chỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng thảo quả. Ngày ấy bản anh nghèo lắm, với 100% người Mông sinh sống. Gia đình anh cơm cũng không đủ no, nhà không có để ở. Đổi lại thiên nhiên đã ban tặng cho bản Sin Suối Hồ núi rừng hoang sơ, thuần khiết với những tán lá rộng và thổ nhưỡng mát mẻ. Anh yêu rừng, luôn có ý thức gắn bó với rừng, bảo vệ rừng, phát triển kinh tế từ rừng sẽ thoát nghèo, thế là anh chuyên tâm làm mô hình.
Mô hình thảo quả của anh Chỉnh có diện tích chừng 7ha với sản lượng 2 tấn/năm cho doanh thu từ 250tr đến 300 triệu. “Nhờ trồng thảo quả mà gia đình tôi có cuộc sống no ấm, có nhà đẹp để ở. Việc phát triển sản xuất dưới tán rừng không những giúp ổn định cuộc sống mà còn góp phần bảo vệ rừng”, anh Chỉnh tâm sự.
Không chỉ anh Chỉnh mà rất nhiều người dân vùng trung du miền núi phía Bắc đã làm giàu trên chính mảnh rừng tại quê hương mình. Đại diện tỉnh Lai Châu cho biết, trên địa bàn hiện có 10.700ha lâm sản ngoài gỗ, dược liệu các loại, như sâm Lai Châu, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy, hà thủ ô...
Báo cáo của trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho thấy bức tranh về người dân làm giàu nhờ phát triển các sản phẩm dưới tán rừng ngoài gỗ. Đơn cử, nhờ trồng và khai thác đẳng sâm, nông dân ở xã Púng Bánh, Sốp Cộp, Sơn La có thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm. Những hộ trồng thảo quả ở xã Dào San, Phong Thổ - Lai Châu mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng. Hay các hộ trồng sa nhân ở xã Phìn Ngan, Bát Xát - Lào Cai có thu nhập 80 triệu đồng/ha. Các hộ trồng củ ba kích ở xã Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc thu nhập bình quân 90 triệu đồng/ha...
Miền núi phía Bắc có tổng diện tích rừng lên tới hơn 5,73 triệu ha, trong đó 3,94 triệu ha rừng tự nhiên, 1,79 triệu ha rừng trồng. Đến nay, các nhà khoa học thống kê được hơn 7.000 loài thực vật cho lâm sản ngoài gỗ (LSNG) gồm: nhóm cây có sợi, nhóm cây chiết suất nhóm cây làm thực phẩm và nhóm cây dược liệu, mỹ phẩm. Kinh tế dưới tán rừng còn cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho chế biến mây tre và công nghiệp giấy với gần 1 triệu tấn/năm; cung cấp nguyên liệu cho chế biến thực phẩm với khoảng 20.000 tấn; cho công nghiệp dược phẩm, hóa mỹ phẩm khoảng 50.000 tấn (trong đó khoảng 20.000 tấn dược liệu)…
Mở cửa rừng thế nào?
Mặc dù có tiềm năng lớn, song đến nay, việc phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tại các địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu mang tính chất tự phát, tiêu thụ dưới dạng thô, đầu ra không ổn định, phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là chưa hình thành được mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và người thu mua. Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào chế biến dược liệu, bởi sản lượng dược liệu chưa đủ lớn, không ổn định.
Ở góc độ địa phương, tỉnh Điện Biên kiến nghị Bộ NN&PTNT và các bộ ngành sớm tham mưu ban hành cơ chế, hướng dẫn thực hiện chính sách cho thuê môi trường rừng để phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới rán rừng. Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tập trung đất đai để thực hiện các dự án phát triển nông lâm nghiệp nói chung và phát triển kinh tế dưới tán rừng nói riêng.
Cùng với đó, tỉnh Sơn La đề nghị, Bộ NN&PTNT xem xét ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật gieo ươm, trồng và chăm sóc các loài cây lâm sản ngoài. ĐỒng thời Bộ cần đề xuất Chính phủ cho phép tỉnh Sơn La có cơ chế, chính sách đặc thù hàng năm được phép trích 3% nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng để đầu tư hỗ trợ lại cho công tác phát triển kinh tế rừng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoa, đánh giá, tiềm năng của rừng Việt Nam nói chung và rừng Tây Bắc nói riêng còn rất lớn nhưng chưa được khai thác bài bản. Cần phải tìm ra con đường để mở cửa cánh rừng để bà con dân tộc trồng dược liệu không phải phụ thuộc thương lái và có cuộc sống ấm no trên mảnh đất của mình sinh sống. Kinh tế dưới tán rừng ở các địa phương phải tính đến hiệu quả bền vững, khai thác có kiểm soát để không làm mất đi giá trị hiện hữu của rừng. Đồng thời, tạo thêm nguồn lực kinh tế dưới tán rừng thành một chuỗi ngành hàng, tích hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch miền núi.
Về quy hoạch, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tiểu vùng; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho từng tỉnh.
Về cơ chế, chính sách sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đối với từng loại rừng để phát huy giá trị loại rừng đó; hoàn thiện một số chính sách có liên quan đến phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Về khoa học công nghệ, nghiên cứu, lựa chọn, cung cấp giống cây rừng trồng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu... có năng suất, chất lượng để đưa vào sản xuất…