Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất
Giai đoạn 2020 - 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 và xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt, nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 84,77 tỷ USD, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được mở rộng nhanh chóng ra nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế số, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng được đánh giá rất tiềm năng và hứa hẹn sẽ trở thành những lĩnh vực trụ cột trong hợp tác kinh tế - thương mại tương lai.
Có thể nói, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam với những dự án quy mô lớn, góp phần tạo dựng cho Việt Nam chỗ đứng ngày càng vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hầu hết các Tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Amazon và P&G… Nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam là địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đánh giá về mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, Hoa Kỳ được xác định là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các trụ cột hợp tác. Ở góc độ vĩ mô, tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ là đặc điểm quan trọng giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ theo hướng hài hòa và bền vững, đảm bảo các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia. Từ đó, đưa Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương, và đạt 90,8 tỷ USD trong năm 2020, tăng 19,9% so với năm 2019.
Đại dịch tạo ra những cơ hội mới
Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều diễn biến bất ổn cho thương mại toàn cầu và nguy cơ đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, với góc nhìn tích cực, những bất ổn bởi đại dịch sẽ tạo ra những cơ hội mới để các doanh nghiệp tự đánh giá lại năng lực của mình và gợi mở nhiều hướng kinh doanh và cơ hội tiếp cận thị trường mới. Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đánh giá, kinh tế Hoa Kỳ đang có sự phục hồi và tăng trưởng khá. Tuy nhiên, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch đang để lại di chứng nặng nề, thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng, kể cả hàng tiêu dùng. Song đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng ổn định sản xuất, tăng tốc, tiếp tục bảo đảm chuỗi cung hàng hóa sang Hoa Kỳ. Đặc biệt khi Việt Nam là một trong những nhà cung cấp chính, thị trường sản xuất quan trọng đối với Hoa Kỳ về mặt hàng dệt may, da giày.
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại: Mật ong Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế đến 412,49% là do cách hiểu và đánh giá của phía Hoa Kỳ chưa có sự công bằng với DN mật ong Việt Nam. Mức thuế này mang tính huỷ diệt đối với ngành ong Việt Nam. Ngay khi có phán quyết, Bộ Công Thương đã làm việc với các DN, hiệp hội và trao đổi trực tiếp với cơ quan liên quan của Hoa Kỳ để chứng minh ngành ong không bán phá giá vào Hoa Kỳ,… trong thời gian tới, mong muốn cơ quan liên quan của Hoa Kỳ xem xét lại để công bằng cho ngành ong Việt Nam. |
Ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty CP gỗ Lâm Việt cho hay, dịch Covid-19 đã làm cho xuất khẩu chững lại, công ty Lâm Viên cũng đã xuất khẩu sang Mỹ đạt 15-17 triệu USD. Trong thời gian tới, kỳ vọng thị trường khôi phục lại, thì mức tiêu thụ và đơn hàng sẽ tăng lên. Đồng thời, ông Liêm kiến nghị, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc đi lại cho các nhà đầu tư nước ngoài nhất là DN Hoa Kỳ, người mua hàng đến Việt Nam để làm việc với các nhà máy và đi khảo sát thị trường, giảm thời gian cách ly.
Để khôi phục sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, bà Virginia Foote - Phó Chủ tịch Amcham Hà Nội cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhiều công ty của Hoa Kỳ đang có suy nghĩ nên hướng nội, đặc biệt DN miền Nam của Hoa Kỳ đang hướng trở lại các nghề sản xuất, các chuỗi cung ứng gần gũi người tiêu dùng của họ hơn. Đây là thách thức cho Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những tương lai tươi sáng, đó là Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục và có sự cạnh tranh lớn trong khu vực. Ngoài ra, theo bà Virginia Foote, cần thu hẹp khoảng cách khác biệt giữa chính sách thuế Việt Nam và chính sách thuế Hoa Kỳ áp dụng. Bởi nếu chính sách thuế thuận lợi, thủ tục hành chính bớt rườm rà sẽ tạo điều kiện không chỉ cho DN Hoa Kỳ mà cả DN Việt Nam thuận lợi hơn trong việc giao thương với các DN Hoa Kỳ.