'Chơi trên sân EU', doanh nghiệp Việt cần liên kết và phải nắm rõ luật

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết, doanh nghiệp Việt phải liên kết lại với nhau để tạo sức mạnh tổng thể, cạnh tranh được tại thị trường EU.

 

Bên cạnh đó, cần biết rõ luật lệ để vào được EU và tránh được những tổn thất không đáng có.

Trao đổi bên lề Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo cho rằng, EU với 27 thành viên là đối tác toàn diện của Việt Nam, hai bên có thể hợp tác về tất cả các mặt, trong đó kinh tế là lĩnh vực trọng tâm. Dù vậy, để hợp tác được với EU, các địa phương của Việt Nam cần có chiến lược tiếp cận bài bản và cụ thể.

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo.

EU là thị trường tiêu chuẩn cao, cần cách tiếp cận bài bản

Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, khi muốn thúc đẩy thương mại đầu tư với EU, điều đầu tiên các địa phương của Việt Nam cần phải làm là xác định được đâu là thế mạnh của mình, đâu là sản phẩm chủ lực và các sản phầm đó có thể vào được thị trường châu Âu hay không… để từ đó có cách tiếp cận phù hợp.

Châu Âu là thị trường tiêu chuẩn cao. Việt Nam có thuận lợi rất cơ bản là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), nhưng để vào được EU, các địa phương sau khi chọn lựa được các sản phẩm, lĩnh vực đầu tư, cần phải có 1 kế hoạch tổng thể, được xây dựng bài bản, nêu rõ các điểm mạnh, các bước chiến lược. Kế hoạch này cần phải được đầu tư thích đáng, cả về con người, trí tuệ về kinh phí mới có thể triển khai hiệu quả.

“Hợp tác với EU không chỉ làm theo 1 hợp đồng, 1 thương vụ, mà cần phải xác định làm dài hạn. Việc hợp tác làm ăn với EU có thể đem lại nhiều lợi ích cho các địa phương, các doanh nghiệp của Việt Nam. Quan trọng hơn, đó là tính bền vững. Châu Âu không muốn có những thị trường nay mở cửa, mai đóng cửa”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nói.

“Cánh tay nối dài” của các địa phương trong hội nhập kinh tế

Hợp tác kinh tế với EU, các doanh nghiệp và địa phương cần sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng. Việt Nam có 15 cơ quan đại diện tại EU và đây là cánh tay nối dài của các địa phương. Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, các địa phương cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại EU. Không chỉ vậy, các cơ quan đại diện của EU tại Việt Nam cũng là các đầu mối mà các địa phương có thể bám sát để thúc đẩy hợp tác.

Một trong những kênh hợp tác quan trọng là EU với hơn 1.000 doanh nghiệp lớn đã và đang làm ăn ở Việt Nam. Đây là những người đã hiểu Việt Nam, đã làm ăn với Việt Nam và rất dễ để tiếp cận, mở rộng hợp tác của các địa phương với EU.

“Với EU, ta cần phải có sự liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp. Họ không phân biệt cà phê của Đắk Lắk hay Kon Tum mà chỉ biết đó là cà phê Việt Nam. Họ cũng không phân biệt đó là xoài của Đồng Tháp hay của Bến Tre mà chỉ biết đó là xoài của Việt Nam. Vì thế, các địa phương cần có sự liên kết lại với nhau để cùng xây dựng chương trình tiếp cận vào EU. Như vậy sẽ hiệu quả và phù hợp hơn nhiều”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nói.

EVFTA đem lại nhiều thuận lợi nhưng cũng đi kèm với thách thức

Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, hiệp định thương mại tự do là thuận lợi cơ bản trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU. EU chỉ ký FTA với 4 nước châu Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore ko phải là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong một số mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là nông, lâm, thủy, hải sản. Tuy nhiên, đối với FTA, không chỉ có thuận lợi, mà còn có những khó khăn. EU là 1 thị trường tiêu chuẩn cao. Ngoài hàng rào thuế quan, còn có các hàng rào phi thuế quan như văn hóa tiêu dùng, khoảng cách địa lý, các tiêu chuẩn xã hội…

EVFTA khác với các hiệp định khác mà Việt Nam đã ký, như CPTPP, RCEP… Một trong những điểm thuận lợi khác khi hợp tác với EU là chỉ cần vào được 1 nước, thì hàng hóa Việt Nam có thể vào được cả 26 nước còn lại. Dù vậy, cũng sẽ có những bất lợi. Khi hàng hóa của Việt Nam vào EU nhiều, về nguyên tắc cơ bản, sẽ có các rào cản, tranh chấp, khiếu kiện về thương mại sẽ xảy ra và Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo mô tả việc hợp tác với EU như một trận bóng: “Chính phủ đã tạo ra được một sân bóng tốt, chúng ta có 1 luật lệ tốt. Nhưng để có 1 trận bóng hay, điều đầu tiên là cầu thủ phải giỏi, sản phẩm của chúng ta phải có tính cạnh tranh, doanh nghiệp của chúng ta phải có đủ năng lực cạnh tranh. Sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp cũng giống như 1 cầu thủ không thể làm nên chiến thắng, mà các doanh nghiệp của chúng ta phải liên kết lại với nhau mới tạo ra một sức mạnh tổng thể để cạnh tranh được với EU. Chúng ta phải biết rõ luật lệ để vào được EU và tránh được những tổn thất không đáng có”./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận