Hàng Việt ra thế giới bằng thương mại điện tử

Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

 

Tận dụng đơn hàng cuối năm

Trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau Covid-19, các nước đang xúc tiến thương mại nhằm nối lại hoạt động đã bị đứt gãy và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ cuối năm, đây là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi nhu cầu của các thị trường đang tăng trở lại. Việc giao dịch trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) là cách tiếp cận hiệu quả cho doanh nghiệp Việt.

Bà Lê Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm mầm FTU (FIIS) thuộc Đại học Ngoại thương cho biết, TMĐT chiếm 19,5% thị phần bán lẻ toàn cầu với mức tăng trưởng 15% mỗi năm cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 đã khiến thói quen sử dụng các trang TMĐT được hình thành rộng rãi ở người tiêu dùng. TMĐT tạo cầu nối để hàng hóa được chuyển trực tiếp từ người bán đến người tiêu dùng, giảm các bước trung gian, giảm thiểu chi phí phát sinh và sự phức tạp trong quá trình giao dịch tiếp xúc.

Gian hàng online mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp

Trong khi đó, việc đưa hàng ra quốc tế thông qua các trang TMĐT đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt, nhất là tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với mở một gian hàng trực tiếp tại thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp cũng có thể tận dụng nguồn khách hàng có sẵn của các trang thương mại trực tuyến để phát triển thương hiệu và mở rộng quảng bá sản phẩm. Gian hàng online này còn có thể xem như một cách để các doanh nghiệp thử thăm dò thị trường và nắm bắt được thị hiếu, mức độ quan tâm của thị trường đối với mặt hàng của họ.

Ông Thân Văn Hùng, giám đốc công ty Visimex cho biết, doanh nghiệp bắt đầu bước ra thị trường thế giới thông qua việc kinh doanh trên một gian hàng TMĐT. Lựa chọn này của công ty xuất phát từ lợi thế về giá rẻ, khả năng tiếp cận thị trường cao, rất phù hợp với các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Tuy nhiên, lượng khách hàng có sẵn kể trên không phải lượng khách hàng thực của doanh nghiệp nên thường không bền vững. Bên cạnh đó, chi phí lưu kho của các nền tảng này rất cao, cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Khác biệt về mặt ngôn ngữ cũng là một rào cản cho các doanh nghiệp khi tham gia thương mại điện tử quốc tế.

Nông sản Việt ra nước ngoài nhờ TMĐT

Bằng kinh nghiệp thực tế hoạt động, ông Hùng cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng ngay từ đầu trong lựa chọn mặt hàng kinh doanh. Ngoài việc đa dạng về sản phẩm, doanh nghiệp cũng nên chọn những mặt hàng đặc trưng, thế mạnh của quốc gia để tận dụng thương hiệu và tính cạnh tranh. Ví dụ từ chính hoạt động của Visimex, sau thời gian đầu thử nghiệm với nhiều mặt hàng, doanh nghiệp đã chọn được xuất khẩu quế, hạt tiêu, hạt điều là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam và không vấp phải sự cạnh tranh lớn với các quốc gia khác.

Để giữ chân được khách hàng, Visimex cũng thường xuyên tham gia hội chợ trực tuyến quốc tế để đánh giá nhu cầu thị trường cũng như duy trì hình ảnh, tính hiện diện của sản phẩm, thương hiệu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đang chủ động số hóa dữ liệu khách hàng, triển khai chăm sóc khách hàng qua ứng dụng do công ty xây dựng.

Cơ hội không biên giới

Mặc dù gặp ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19, TMĐT Việt Nam vẫn có những bước tăng tốc mạnh mẽ, trở thành một trong những thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Thuong mại điện tử ngày càng quen thuộc với người dân

Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn tìm kiếm cơ hội mới. Thói quen mua sắm của người tiêu dùng nội địa cũng dần dịch chuyển từ phương thức truyền thống sang hình thức mua hàng online thông qua nền tảng số. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, tính đến năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến (năm 2016 chỉ có 32,7 triệu người).

TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với TMĐT đang trở thành trào lưu của các quốc gia TMĐT phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam... Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, TMĐT xuyên biên giới là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Ở Việt Nam TMĐT xuyên biên giới còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng TMĐT quốc tế. Do đó, doanh nghiệp phải được trang bị kỹ năng đầy đủ về thương mại quốc tế, hiểu biết về thị trường, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như kỹ năng TMĐT của nước sở tại.

Một ví dụ hiệu quả chính là sự hợp tác của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) và sàn TMĐT Voso xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu theo phương thức TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng TMĐT của Việt Nam - Voso Global. Đây là một bước đi quan trọng trong ứng dụng TMĐT xuyên biên giới đưa sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang các thị trường nước ngoài có tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu.

TMĐT gắn liên với smartphone

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: “TMĐT xuyên biên giới là một thách thức lớn, doanh nghiệp làm TMĐT xuyên biên giới cần thời gian và quyết tâm. Tuy nhiên với sự chung tay hỗ trợ tích cực của các Bộ ngành Trung ương, địa phương, chúng tôi hy vọng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com sẽ tạo thêm một kênh phân phối cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả”.

Người tiêu dùng là động lực

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của TMĐT giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc TOP 3 trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company cho thấy, TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%.

Việt Nam có thế mạnh là dân số trẻ, người dùng điện thoại thông minh (smartphone) chiếm tỷ trọng lớn, lượng giao dịch trên smartphone nhiều. Với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế, TMĐT góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Năm 2020, doanh số TMĐT xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ euro và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu. Xuất nhập khẩu TMĐT xuyên biên giới trong năm 2020 của Trung Quốc đạt 1,69 nghìn tỷ NDT, tăng 31,1%. Tỷ trọng TMĐT xuyên biên giới trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu. Doanh thu TMĐT B2C toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận