Kinh tế 2022: hướng đi mới cho 'bình thường mới'

"Bình thường mới" - từ xuất hiện trong đại dịch Covid-19 - đưa ra một khái niệm khác về bình thường. "Bình thường mới" đối với kinh tế Việt Nam 2022 sẽ ra sao?

 

"Bình thường mới" - từ xuất hiện trong đại dịch Covid-19 - đang đưa ra một khái niệm khác về bình thường, với những việc lẽ ra là đơn giản nay trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Và nỗ lực thực sự mới mang lại quả ngọt. "Bình thường mới" đối với kinh tế Việt Nam 2022 sẽ như thế nào?

Vẫn cần chính sách đủ mạnh

Nhìn lại hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô 2021, có thể ghi nhận Chính phủ đã có một năm điều hành theo hướng đồng thuận, quyết liệt và linh hoạt. Nhờ vậy, dù trải qua rất nhiều khó khăn, đặc biệt đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ ngày 27/4/2021 khiến toàn bộ nền kinh tế bị đình trệ, nguồn lực tập trung cho phòng chống dịch rất lớn, dẫn đến quý 3/2021 kinh tế tăng trưởng âm, nhưng cả năm 2021 vẫn tăng trưởng dương với GDP ước đạt 2,58%.

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành, một trong những vấn đề cốt lõi của kinh tế 2022 là quan tâm đến vấn đề lao động: "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần khẩn trương được thực hiện với quy mô đủ lớn, diện phủ đủ rộng. Kinh tế chỉ phục hồi khi sản xuất kinh doanh hồi phục. Chính sách trước mắt và lâu dài cần quan tâm hơn về chỗ ở cho người lao động. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có chiến lược nhà ở 10 năm tới tập trung nhà ở thương mại vừa phải, nhà ở thương mại xã hội công nhân, nhà ở trong đô thị với điểm xuyên suốt là chú trọng chất lượng sống".

Đời sống người lao động cần được quan tâm hơn

Năm 2022, đầu tư công tiếp tục là một thành tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Khi Chính phủ thực thi những chương trình phục hồi tổng thể, thúc đẩy giải ngân đầu tư công cần Quốc hội đồng hành, tháo gỡ khó khăn pháp lý. Bên cạnh đó là tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, khống chế dịch bệnh là các nhiệm vụ then chốt trong khi vẫn phải đối phó chặt chẽ với những rủi ro vĩ mô, thâm hụt ngân sách cao hơn, nợ công cao hơn, lạm phát cao hơn.

Năng lực logistics không đảm bảo và tình trạng tắc nghẽn giao thông dần trở nên nghiêm trọng. Các chuỗi cung ứng toàn cầu lại càng có nguy cơ đứt gãy cao, bên cạnh tác động của đại dịch, do tình trạng thiếu hụt container rỗng và cả tính dễ bị tổn thương của nó. Lạm phát dù chưa vượt ngoài tầm kiểm soát, nhưng áp lực “chi phí đẩy” đang là một thách thức. Đây là những thách thức đặt ra cho năm 2022 và những năm kế tiếp.

Năng lực logistic cần đáp ứng yêu cầu phát triển

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, phân tích: "Kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Do đó, Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; bãi bỏ các khoản chi phí không hợp lý để cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát".

Xuất khẩu vẫn có nhiều cơ hội

Cùng với việc giữ được các thị trường xuất khẩu (XK) truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu - EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản..., doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA, để đa dạng hoá thị trường, gia tăng chúng loại hàng hoá xuất khẩu. Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo cho rằng, EU với 27 thành viên là đối tác toàn diện của Việt Nam, hai bên có thể hợp tác về tất cả các mặt, trong đó kinh tế là lĩnh vực trọng tâm. Dù vậy, để hợp tác được với EU, các địa phương của Việt Nam cần có chiến lược tiếp cận bài bản và cụ thể. “Với EU, ta cần phải có sự liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp. Họ không phân biệt cà phê của Đắk Lắk hay Kon Tum mà chỉ biết đó là cà phê Việt Nam. Họ cũng không phân biệt đó là xoài của Đồng Tháp hay của Bến Tre mà chỉ biết đó là xoài của Việt Nam. Vì thế, các địa phương cần có sự liên kết lại với nhau để cùng xây dựng chương trình tiếp cận vào EU. Như vậy sẽ hiệu quả và phù hợp hơn nhiều”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nói.

Sẽ cần hướng tới những lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao

Mặc dù vẫn là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, nhưng xuất nhập khẩu năm 2022 cũng sẽ phải chịu nhiều áp lực về chi phí logistics, giá cả nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu ở mức cao... dẫn tới gia tăng tỷ lệ “nhập khẩu" lạm phát trong thời gian tới. Những yếu tố bất ổn có thể tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các biện pháp bảo hộ của thị trường nhập khẩu cũng có thể gây ra những khó khăn nhất định. Do đó doanh nghiệp cần chủ động ứng phó và có các biện pháp thích hợp nếu phải tham gia các vụ tranh chấp thương mại.

Việt Nam tiếp tục xuất siêu

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, phân tích: "Một yêu cầu rất quan trọng đối với môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta là sự an toàn. Muốn an toàn phải có hệ thống pháp luật minh bạch, có cơ chế bảo vệ quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp theo luật pháp. Doanh nghiệp cũng phải nâng cao năng lực pháp lý trong kinh doanh, hiểu biết sâu sắc những vấn đề pháp luật về hợp đồng, nắm rõ những thách thức để ứng xử".

Nâng cao vai trò của doanh nghiệp

Khi nói về sự tham gia của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một chuyên gia kinh tế phân tích: Trong kinh tế học có khái niệm “đường cong nụ cười” - "cái chuông ngược" mô tả giá trị gia tăng của từng công đoạn theo chuỗi cung ứng sản phẩm, bắt đầu từ ý tưởng cho đến thiết kế chế tạo, bên kia là marketing, phân phối đến tay người tiêu dùng. Theo lý thuyết đó, Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chủ yếu là phần lắp ráp chế biến, là phần đáy của cái chuông ngược. Thách thức của chúng ta là làm thế nào để đi nhiều hơn vào hai cánh của “đường cong nụ cười”.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, phân tích: "Cần kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn, sớm trở lại sản xuất kinh doanh. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không nên quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho doanh nghiệp dễ dẫn tới rủi ro cho hệ thống ngân hàng và gia tăng lạm phát".

PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng: "Cần tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi bằng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, dịch vụ cao cấp để tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, chia sẻ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cần tăng cường sự liên kết của các nhà. Nếu chỉ giao việc này cho doanh nghiệp và đòi hỏi họ phải tham gia sâu thì rất khó, bởi vì doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, phải có sự liên kết của nhiều nhà trong chuỗi giá trị đó".

Ngoài ra cần nghiên cứu để doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài thay đổi theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng, như chúng ta áp đặt những tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, tiêu chuẩn về kỹ thuật, tiêu chuẩn chia sẻ năng lực công nghệ rồi tăng cường tính lan tỏa để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong điều kiện mới./.

"Cần làm ngay những phần việc liên quan đến rà soát luật pháp, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển chính phủ điện tử, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cho các dự án lớn tầm quốc gia. Chuẩn bị kỹ lưỡng để hỗ trợ doanh nghiệp đón cơ hội hoặc đối mặt với những thách thức mà các cam kết quốc tế có thể mang đến, vạch ra kịch bản triển khai ngay từ bây giờ. Cần bớt đi những định hướng chủ quan mà trước đây đã từng có, thay đổi về cách làm để mang tính thiết thực và cụ thể hơn" - Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận