Thị trường xăng dầu thế giới từ cuối năm 2021 đến nay có nhiều biến động khi nhu cầu tăng, nguồn cung khan hiếm khiến giá dầu mỏ liên tục leo thang. Ở trong nước, việc cắt giảm công suất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối, khiến hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ, găm giữ xăng dầu nhất thời đã xảy ra ở một số nơi.
Tại các cuộc họp của Bộ Công Thương về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước đều xác định, xăng dầu là mặt hàng chiến lược có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế. Để nhanh chóng ổn định thị trường, cần có giải pháp kịp thời đảm bảo nguồn cung cũng như nhanh chóng phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi gây nhiễu loạn, đầu cơ, trục lợi từ xăng dầu.
Thừa nhận những nỗ lực trong việc chủ động nguồn cung xăng dầu nội địa, Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng các dự án lọc hóa dầu của Việt Nam hiện đã đáp ứng được khoảng hơn 70% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Song, thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn liên thông và phụ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới, khi vẫn phải nhập khẩu tới gần 30% lượng xăng dầu từ thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, hoạt động dự trữ xăng dầu của nhà nước vẫn còn rất thấp khi Chính phủ yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu dự trữ tối thiểu 20 ngày. Đây là mức tổng thể dự trữ quá nhỏ so với nhu cầu phục vụ và phát triển của nền kinh tế quốc dân, nguồn dự trữ này không thể nào giúp cho nhà nước can thiệp cũng như tác động mạnh và lâu dài lên thị trường xăng dầu trong nước.
“Dự trữ xăng dầu là vấn đề rất khó bởi cơ sở kho tàng, bến bãi còn quá khiêm tốn và nhà nước cũng không có đủ nguồn ngoại tệ lớn để chỉ chú trọng đến nhập khẩu xăng dầu. Muốn xây dựng được những kho tàng dự trữ xăng dầu đòi hỏi những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về địa chất địa lý, khí hậu, phòng chống cháy nổ cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị, xã hội…nên đây là vấn đề đòi hỏi phải có thời gian. Khi nguồn xăng dầu dự trữ đủ lớn như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam mới có thể chủ động nguồn cung cũng như can thiệp kịp thời vào mọi biến động của thị trường”, ông Thịnh giải thích.
Trước hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu trong nước đóng cửa vì thiếu nguyên liệu hay nghỉ bán hàng do sợ thua lỗ, ông Thịnh cho rằng tính chủ động của Bộ Công Thương cũng như các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu còn chưa cao thành ra bị động. Bởi khi có tính chủ động cao, cơ quan điều hành phải thấy được diễn biến của giá xăng dầu thế giới, từ đó có kế hoạch dự trù và bổ sung nguồn xăng dầu trong tình huống thiếu hụt; hoặc nhanh chóng có chỉ đạo, tuyên truyền để các DN đầu mối chủ động đàm phán nhập khẩu xăng dầu ở thời điểm thích hợp.
Chú trọng công tác phân tích dự báo thị trường
Khẳng định của đại diện Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, đến nay nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn bảo đảm. Với nhu cầu khoảng 1,8 - 2 triệu mét khối xăng, dầu các loại/tháng, nguồn cung xăng, dầu cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022. Tuy nhiên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng dự báo, từ tháng 3 năm nay, nguồn cung xăng dầu có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường đang đặt ra yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh, việc theo dõi và dự báo xu hướng giá xăng dầu thế giới còn nhiều khó khăn, vì để mua bán xăng dầu trên thị trường quốc tế cần phải có sự đàm phán mua – bán theo kỳ hạn từ 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm. Muốn làm được điều này cần phải có kho dữ liệu tập hợp nhiều yếu tố như nguồn cung, lực cầu cùng các tác động địa chính trị, quan hệ thương mại… sẽ tạo thuận lợi hay gây bất lợi để từ đó có phân tích, đánh giá, nhận định hay hoạch định được nhu cầu nhập khẩu cũng như đưa ra giá mua cho từng kỳ hạn nhất định.
“Hiện nay Việt Nam đang thiếu và yếu cả về nguồn dữ liệu cũng như nhân lực trong công tác phân tích, dự báo thị trường. Vì đây là công việc lâu dài mang tính chuyên sâu, cần tư duy tổng hợp nên phải có kế hoạch đào tạo những cán bộ, chuyên gia thực sự am hiểu về thị trường và luật thương mại quốc tế trong đàm phán và ký hợp đồng vào những thời điểm tốt nhất. Trong những trường hợp cần mua xăng dầu cấp thiết như thời gian vừa qua, nếu không đàm phán được hợp đồng kỳ hạn sẽ đẩy giá xăng dầu trong nước lên mức cao, tình trạng thiếu hụt xăng dầu sẽ xảy ra và công tác quản lý xăng dầu thêm phần khó khăn”, ông Thịnh nêu rõ.
Đối với công tác điều hành thị trường, ông Thịnh cho rằng, khi coi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhà nước phải sử dụng Quỹ Bình ổn giá gánh đỡ cho những “cú sốc” của giá xăng dầu trong nước. Việc sử dụng quỹ cũng có lợi ích nhất định cho thị trường xăng dầu, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2021, khi mức độ tăng của giá xăng dầu thế giới tăng rất cao vào khoảng 60% trong khi giá xăng dầu trong nước chỉ tăng khoảng 52%.
“Khi xăng dầu trong nước còn phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới vẫn cần có một số thay đổi trong công tác điều hành. Quỹ Bình ổn chỉ có thể can thiệp vào giá xăng dầu trong ngắn hạn, về lâu dài, nếu giá thế giới duy trì ở mức cao quá lâu cần đưa mức giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thế giới, tránh những hệ lụy tiêu cực từ chênh lệch giá xăng dầu trong nước với các quốc gia biên giới”, ông Thịnh lưu ý.
Về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, theo TS. Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam đang dần muốn xây dựng một thị trường xăng dầu mang tính thị trường thực sự, nên từ chỗ thời gian điều chỉnh giá diễn ra trong vòng 1 tháng, sau đó giảm xuống 15 ngày và đến nay theo Nghị định 95, chu kỳ điều chỉnh giá đã giảm xuống còn 10 ngày. “Tới đây, để giá xăng dầu trong nước tiệm cận hơn với giá xăng dầu thế giới, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu nên rút ngắn xuống 7 ngày hoặc 5 ngày và nếu có thể nên rút ngắn hơn nữa”, ông Thịnh nói./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN