Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết 406 về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng cho nhiều đối tượng là doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Bên hành lang quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng: đây là chủ trương đúng và kịp thời, tuy nhiên trong quá trình triển khai chính sách này cần đảm bảo đúng đối tượng và tránh trục lợi.
Ngay sau khi Nghị quyết 406 được ban hành, Đại biểu Phan Viết Lượng, đoàn Bình Phước cho rằng: Đây là một quyết sách kịp thời. Cùng với các chính sách đặc thù, chưa từng có tiền lệ khác được ban hành trước đó, Quốc hội đã luôn đồng hành cùng Chính phủ trong ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp; nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó khăn, thách thức; ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Phan Văn Lượng cho rằng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Cơ quan Quốc hội, các đại biểu Quốc hội luôn đồng hành cùng chính phủ - đó là một quan điểm nhất quán. Điều đó cũng đặt ra 1 bài học là quốc hội, các cơ quan của quốc hội phải tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn để ban hành các cơ chế, chính sách, đảm bảo nguồn lực thực hiện, khả thi trong điều kiện và thời gian sớm nhất, tạo chuyển biến rất rõ rệt trong thực tiễn vừa qua.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội đánh giá, nếu không điều chỉnh miễn, giảm thuế thì doanh nghiệp khó tháo gỡ khó khăn đang chồng chất. Được giảm thuế, các doanh nghiệp có được lợi nhuận, đó là nguồn lực cho doanh nghiệp tái đầu tư, tăng thêm nguồn lực để phục hồi cho tương lai.
Do đó, Nghị quyết miễn thuế, giảm thuế cho nhiều đối tượng là doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 là chủ trương đúng, trúng và kịp thời. Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: khi triển khai chính sách này, Chính phủ cần có biện pháp rà soát, đánh giá các doanh nghiệp đó có thực sự đúng đối tượng được hưởng ưu đãi hay không
"Chúng ta cần nhìn đúng các đối tượng, những ngành nào được giảm thuế tránh tình trạng các doanh nghiệp đang có điều kiện phục hồi tốt, điều kiện không phải hưởng lợi, có khả năng phát triển trong đại dịch. Hoặc có thể không phải là đang sản xuất kinh doanh, không tạo ra sản phẩm, nhưng tạo các thủ thuật, hành chính giấy tờ để được giãn miễn thuế, thậm chí hoàn thuế, đó là những tình trạng cần chú trọng để tránh tình trạng trục lợi"- Đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý, đoàn Gia Lai cho rằng: đối tượng triển khai của Nghị quyết rộng như: nhóm dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ khác; dịch vụ lưu trú; ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch…. Do đó, bên cạnh xác định được các đối tượng được hưởng lợi của nghị quyết thì Chính phủ cần có hướng dẫn triển khai để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận.
"Thời gian ngắn triển khai chính sách với nhiều đối tượng khác nhau, thực hiện cơ bản tốt tuy nhiên một số đối tượng tiếp cận không kịp thời, chính quyền cơ sở còn ý kiến của người dân phản ánh. Chính quyền cơ sở phải cố gắng khắc phục" - Đại biểu Đinh Ngọc Quý nói./.
Hoàng Ân- Phương Thoa/VOV1