Sau hơn 2 năm đóng băng vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ ngày 15/3 tới, ngành du lịch sẽ chính thức hoạt động bình thường trở lại như giai đoạn trước năm 2020. Giới chuyên gia và những người làm du lịch đều có chung nhận định: đây là thời cơ vàng để phục hồi du lịch.
Mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch từ 15/3
Ngày 16/2, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với các bộ, ban, ngành bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) và ý kiến các bộ, cơ quan về thời gian mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch trong điều kiện “bình thường mới” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” từ ngày 15/3/2022.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thống nhất nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; hoàn thiện và khẩn trương công bố phương án mở cửa lại hoạt động du lịch, có hướng dẫn chi tiết để các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức thực hiện; Bộ VH-TT&DL làm việc cụ thể với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực áp dụng đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.
Quy định linh hoạt hơn
Ông Nguyễn Quỹ Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, các quy định mở cửa du lịch tại đề xuất của Bộ VH-TT&DL đơn giản, linh hoạt hơn. Cụ thể, đối với khách du lịch quốc tế đến bằng đường hàng không có thể lựa chọn xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR có giá trị 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh có giá trị 24 giờ trước khi xuất cảnh. Khi hạ cánh xuống sân bay, khách không phải xét nghiệm tại sân bay mà về thẳng cơ sở lưu trú đã đăng ký và tiến hành xét nghiệm tại đây. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, khách sẽ được tham gia các hoạt động du lịch và tuân thủ các quy định phòng chống dịch như điều kiện của khách nội địa.
Đối với khách đến bằng đường bộ và đường biển sẽ xét nghiệm nhanh ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Khách du lịch được yêu cầu cài đặt ứng dụng phòng chống dịch bệnh theo quy định và duy trì kết nối liên tục trong thời gian du lịch ở Việt Nam. Ngoài ra, khách cần có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000USD.
Đối với hoạt động du lịch nội địa, sẽ tiếp tục triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Quyết định số 218/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP. Đồng thời, triển khai Chương trình Phát động du lịch nội địa, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại văn bản số 4698/BVHTTDL-TCDL của Bộ VHTTDL; Hướng dẫn số 3862/BVHTTDL-TCDL của Bộ VH-TT&DL thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Các địa phương công bố mở cửa lại hoạt động du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tương ứng.
Tận dụng thời cơ vàng
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết, chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021 đến nay đã đón được khoảng 9.000 lượt khách, con số tuy chưa nhiều nhưng rất đáng khích lệ. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngành du lịch đã đón 6,1 triệu lượt khách. Đây là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của ngành du lịch trong thời gian tới.
Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã được thực hiện bài bản, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách với các loại hình hấp dẫn như: du lịch thể thao & giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, sinh thái tại những điểm đến nổi tiếng.
Bối cảnh hiện tại đang mang đến cơ hội cũng như khả năng sớm phục hồi cho thị trường du lịch Việt Nam. Nhiều địa phương có lợi thế trong việc thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế như Quảng Ninh, Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định… đã chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa.
Ở thị trường nội địa, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 32 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch, tổng thu du lịch đạt khoảng 25 nghìn tỷ đồng, mở ra triển vọng đầy tích cực cho sự phục hồi của thị trường du lịch trong nước.
Tại tọa đàm “Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam”, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, việc mở cửa phát triển kinh tế gắn với đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội là bài toán cần lời giải của các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí của ngành du lịch mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước, nhiều bộ, ban, ngành và các địa phương đã bày tỏ sự ủng hộ việc mở lại du lịch. Việc mở cửa du lịch còn cho thấy được năng lực của các bộ ban ngành trong việc đáp ứng trong trạng thái “bình thường mới”.
Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh: “Sản phẩm sau Covid-19 phải khác trước Covid-19, không theo phong trào mà phải dựa trên bản chất, sự hấp dẫn, phải là sản phẩm mới. Cần chú ý thêm các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ, liên quan đến thể thao như golf, chạy marathon”.
“Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”
Bên cạnh việc mở lại hoạt động du lịch quốc tế, Bộ VH-TT&DL đã ban hành văn bản số 4698/BVHTTDL-TCDL về Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”, chương trình phát động du lịch nội địa nhằm phục hồi hoạt động du lịch theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và triển khai Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân. Đồng thời giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch, bảo đảm an toàn phòng chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa.
Trong nội dung hướng dẫn đón và phục vụ khách du lịch an toàn, Bộ VH-TT&DL yêu cầu các sở quản lý du lịch tham mưu lãnh đạo địa phương công bố mở cửa du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh tương ứng. Chuẩn bị tốt các điều kiện đón tiếp và phục vụ khách an toàn, năng lực y tế, kiểm soát dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn, đảm bảo hoạt động du lịch được thuận tiện, an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, cần xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn theo Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL, các quy định có liên quan của ngành du lịch, ngành y tế và địa phương. Chuẩn bị các điều kiện đón, phục vụ khách du lịch an toàn, dự phòng phương án sẵn sàng xử lý sự cố do dịch bệnh gây ra theo quy định. Phổ biến, quán triệt, hướng dẫn người lao động thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch của ngành du lịch và các cơ quan chức năng./.