93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19
Theo khảo sát doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2021, có tới 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng… Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 chỉ đạt gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7%; và có tới 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm 2020.
Mặc dù xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 đạt được thành tích kỷ lục trên 48,6 tỷ USD. Nhưng theo Báo cáo của Nhóm công tác Nông nghiệp tại phiên họp kỹ thuật Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam Thường niên cho thấy, trong năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Đặc biệt, làn sóng đại dịch lần thứ tư đã tác động đến chuỗi cung ứng nông sản cũng như hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra ngành nông nghiệp còn gặp phải khó khăn do sự phục hồi chậm của chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, thiếu nguồn lao động và ùn ứ trong vận chuyển nông, lâm, thủy sản tại các cảng và trung tâm phân phối. Nhiều doanh nghiệp chế biến, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hiện đang phải đối mặt là tình trạng thiếu vốn. Thậm chí có những doanh nghiệp không thể duy trì mức độ sản xuất. Cùng với đó, chi phí vận chuyển tăng, nguyên liệu đầu vào khan hiếm cộng với giá thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng, cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF), ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Quốc gia, Việt Nam, Lào và Campuchia, IFC cho rằng, ngày càng có nhiều cơ hội cho Việt Nam thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Song để làm được điều này, khu vực tư nhân trong nước cần có cơ hội tiếp cận tài chính tốt hơn thông qua các nguồn tài chính quốc tế với chi phí cạnh tranh hơn để vượt qua khó khăn về thanh khoản và giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn. Việt Nam phải cải thiện hệ thống xử lý nợ xấu thông qua phát triển thị trường nợ xấu và tháo dỡ rào cản để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường nợ xấu này, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid.
Ông Frederick Burke, đại diện nhóm Công tác Thuế & Hải quan cũng nêu ra những bất cập trong việc thực hiện các quy định đối với doanh nghiệp chế xuất (DNCX). Cụ thể, cơ quan quản lý cho phép doanh nghiệp áp dụng quy chế DNCX trên cơ sở phương án đầu tư sản xuất, xuất khẩu và cam kết của doanh nghiệp. Không truy thu thuế nhập khẩu đối với các DNCX đã áp dụng quy chế DNCX ngay từ khi thành lập và cơ quan hải quan đã kiểm tra các điều kiện áp dụng quy chế DNCX. Hoàn thuế nhập khẩu đã nộp theo quy định của cơ quan hải quan…
Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nội vào chuỗi giá trị
Đứng trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng để phát triển trong trạng thái bình thường mới, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển mạnh kỹ thuật số và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nội vào chuỗi giá trị.
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam kiến nghị, nên đơn giản hóa hồ sơ khi gia hạn giấy phép lao động. Phương thức PPP bình thường mới chưa giải quyết được một số vấn đề nghiêm trọng. Ví dụ, chưa có bảo đảm về việc tiền đầu tư từ nước ngoài và lợi nhuận sau thuế có thể được chuyển về nước đầy đủ và nhanh chóng bằng một loại tiền tệ có thể chuyển đổi, do đó làm tăng rủi ro pháp lý cho các nhà đầu tư, gây tác động nặng nề đến rủi ro định giá, thậm chí dẫn tới từ chối phê duyệt giao dịch.
Còn bà Bà Virginia B. Foote, Chủ tịch, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, để chuẩn bị cho quá trình phục hồi sau đại dịch Việt Nam có thể cân nhắc một số vấn đề như phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, fintech, điện toán đám mây hiện đại và chính phủ điện tử. Theo bà Virginia B. Foote, việc hoàn thiện môi trường pháp lý sẽ làm tăng giá trị và khuyến khích đổi mới - không chỉ thu hút đầu tư mới mà còn khuyến khích nhập khẩu. Bên cạnh đó, phương pháp xác định giá tính thuế (APA) sẽ được sử dụng, tạo ra sự ổn định và khả năng dự báo cần thiết cho doanh nghiệp khi hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu có giá trị.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám Đốc Tổ hợp Samsung điện tử Việt Nam cho hay, khoảng 60% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam cũng nổi lên là nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới nhờ thành công trong xuất khẩu của Samsung sang khoảng 128 quốc gia. Samsung đã tạo nhiều cơ hội cho các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nội vào chuỗi giá trị Samsung đã hỗ trợ 167 doanh nghiệp triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao hiệu quả gia công và tái cấu trúc nhà máy nhằm giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi, tiết kiệm chi phí sản xuất. Với những nỗ lực không ngừng, đến nay số lượng doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Samsung vẫn không ngừng tăng lên qua mỗi năm. Năm 2018, có 627 doanh nghiệp Việt Nam; năm 2019, con số này đã tăng lên 679; và dự kiến đến cuối năm nay, sẽ có 725 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh:
Thời gian tới, để đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, Chính phủ sẽ quyết liệt triển khai một số nhóm giải pháp lớn như giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, điều hành chủ động linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khóa và các chính sách khác. Hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn và cơ hội đầu tư kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh và kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp. Ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, chính phủ số. Tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư vào hạ tầng, cơ sở…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:
Mặc dù đã có nỗ lực rất cao của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn còn những vấn đề vướng mắc mà Chính phủ vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu cao hơn. Trong thời gian qua, nhiều chính sách và các biện pháp cải cách đã được Chính phủ xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện phù hợp với tình hình mới như Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật PPP, Luật Lao động sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi… Các bộ luật này có rất nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn hơn, phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế hơn, giải quyết nhiều vướng mắc doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động, từ đó, giúp giải phóng, khơi thông các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thu hút các đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước, cũng như từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Hà Nguyễn Đồng Trưởng Nhóm Công tác Kinh tế số VBF: Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh ứng dụng công nghệ và sự cần thiết của dịch vụ dữ liệu hơn bao giờ hết. Các tổ chức nắm bắt được công nghệ số có thể nhanh chóng thích ứng trong bối cảnh gián đoạn do đại dịch, tận dụng tính linh hoạt của công nghệ để mở rộng hoặc thu hẹp quy mô dịch vụ, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa tài nguyên. Chiến lược quan trọng nhất mà Chính phủ có thể áp dụng để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội là tiên phong chuyển đổi số và khuyến khích quá trình chuyển đổi. Ngoài những nỗ lực trong ngắn hạn, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam quan tâm tới những lợi ích lâu dài của chuyển đổi số và hỗ trợ tối đa cho những bước tiến sắp tới.
Với vai trò tiên phong trong hành động, Chính phủ có thể thấy được cách thức cải thiện tính minh bạch, cung cấp các dịch vụ sáng tạo hơn cho người dân và giảm chi phí CNTT cho khu vực công khi sử dụng nền tảng điện toán đám mây và từ đó sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức khác.