Giá xăng, dầu 'đè nặng' lên giá vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam

Nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đang 'chóng mặt' trong "cơn bão" giá xăng, dầu.

 

Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước đã có 5 đợt tăng giá và ở mức cao nhất trong gần 10 năm qua.

Nhà thầu “chóng mặt” trong "cơn bão" giá xăng, dầu

Xăng, dầu tăng khiến hàng loạt ngành sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nhiều nhiên liệu như ngồi trên đống lửa khi chưa kịp hồi phục bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tác động trực tiếp tới các dự án cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai thi công. Giá xăng dầu tăng cao khiến giá nguyên vật liệu xây dựng cũng tăng theo, các dự án hạ tầng giao thông đang triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn.

Giá xăng, dầu ảnh hưởng tới chi phí hoạt động máy móc thi công cao tốc Bắc - Nam.

Theo các nhà thầu đang thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, chưa khi nào mà các nhà thầu lại gặp phải cơn “bão giá" khủng khiếp như thời gian vừa qua. Điển hình là giá xăng, dầu, thép tăng quá nhanh khiến cho nhà thầu không kịp trở tay.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, tiến độ của dự án phụ thuộc rất lớn vào xăng, dầu vì nhu cầu sử dụng máy móc trong thi công chiếm chủ yếu phần chi phí của nhà thầu. Do đó, xăng, dầu là loại nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, giá xăng và dầu diesel đã tăng gấp đôi so với giá bỏ thầu làm cho chi phí vận hành máy móc tăng gấp đôi từ 5 - 10 tỷ đồng.

Theo đại diện nhà thầu Vinaconex đang thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, "cơn bão" giá xăng, dầu đã tác động rất lớn tới việc thi công của dự án. Đặc biệt, nhà thầu lo ngại tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu găm hàng bán nhỏ giọt trong khi nhu cầu sử dụng thực thế thì cao gấp 5 - 6 lần so với lượng xăng dầu mua được.

Chi phí vận chuyển, chi phí khai thác đất đắp nền cao tốc Bắc - Nam chiếm chủ yếu từ chi phí xăng, dầu.

Cùng với nỗi lo đó là nỗi lo giá sắt, thép và xi măng cũng tăng cao khiến cho các nhà thầu đang phải gánh chịu thiệt nặng nề. Tại thời điểm trúng thầu dự án, giá thép do Sở xây dựng Bình Thuận công bố là 12.000 đồng/kg, chưa bao gồm thuế VAT. Đến nay, giá thép mà họ đang phải mua là 18.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT), tăng khoảng 60% so với thời điểm đấu thầu.

Đại diện lãnh đạo Ban điều hành dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 chia sẻ, giá nhựa đường đặc nóng phục vụ thi công bêtông nhựa theo dự toán được Bộ GTVT duyệt vào năm 2020 làm cơ sở đấu thầu là 11.000 đồng/kg nhưng hiện các đơn vị thi công đang được nhà cung cấp chào giá khoảng 15.000 đồng/kg, đồng thời được thông báo nếu không xuống thanh toán trước thì giá có thể tăng thêm từ 15 - 20% sau 1 - 2 tháng nữa.

Cũng theo vị lãnh đạo này, mặc dù nhựa đường chiếm khối lượng ít nhưng lại có tỷ trọng trong cơ cấu gói thầu rất cao, đòi hỏi dòng tiền lớn, liên tục trong giai đoạn cuối nên sẽ là yếu tố rủi ro rất cao đến tiến độ, chất lượng công trình nếu nhà thầu không còn giữ được sức khỏe về tài chính.

Trong khi đó, tại các dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, hiện có 3 dự án đối tác công - tư (PPP).

Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45.

Đại diện chủ đầu tư các dự án này chia sẻ các dự án mới khởi công và đang trong giai đoạn thi công móng và nền đường nên ngay khi giải được bài toán về nguồn cung vật liệu đất đắp, giá thành công trình cao sẽ là yếu tố khiến cả chủ đầu tư và nhà thầu đau đầu.

Bên cạnh đó, giá xăng, dầu còn tác động làm tăng chi phí đất đắp, đá, cát sỏi, đồng thời đẩy chi phí vận chuyển các loại vật liệu từ mỏ về công trường tăng cao.

Bộ GTVT "đau đầu" sợ không đảm bảo tiến độ

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện đang có khoảng 40 dự án giao thông được đầu tư công. Việc thi công các dự án này đều phụ thuộc vào hợp đồng thi công xây dựng theo đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh (dùng chỉ số giá của địa phương công bố; các yếu tố chi phí trong công thức điều chỉnh giá gồm nhân công, máy thi công, nhiên liệu, nhựa đường, thép, cát, đá, xi măng…). Phương pháp điều chỉnh giá này có thể phủ được từ 70 - 80% chi phí phát sinh của nhà thầu trong điều kiện giá các vật liệu đầu vào được kiểm soát tốt.

Với "cơn bão" giá xăng dầu, sắt, thép,... phương pháp điều chỉnh hiện tại chỉ bù đắp được khoảng 50 - 60% chi phí thực tế. Mặc dù là công trình đấu thầu lời ăn lỗ chịu, nhưng trong bối cảnh biến động giá quá lớn như hiện nay thì nhà thầu sẽ sớm kiệt quệ về tài chính, dù muốn hay không, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ công trình.

Việc giá xăng, dầu thời gian qua tăng đã gây áp lực lớn đối với các nhà thầu thi công trên các công trường, đặc biệt là các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, chưa kể áp lực của giá thép, xi măng...

Ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) - đơn vị quản lý nhiều dự án giao thông đang triển khai cho biết, để giải quyết khó khăn cho các nhà thầu do giá nhiên liệu, vật liệu tăng thời gian qua, đơn vị đã đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh thủ tục, hồ sơ bù giá theo quy định của hợp đồng đã ký kết trước đó.

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề nghị các tỉnh thành chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan phối hợp với các Ban quản lý dự án công bố giá các loại vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi,...) đến chân công trình cho từng gói thầu/dự án thành phần.

Việc xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phải đảm bảo phù hợp yêu cầu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện và tiến độ thi công xây dựng, khả năng cung ứng và mặt bằng giá thị trường, phản ánh đúng mức độ biến động giá xây dựng trên thị trường khu vực xây dựng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho từng gói thầu/dự án thành phần phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, nâng giá.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, đáp ứng tiến độ yêu cầu./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận