Không nên ồ ạt nuôi thả cá tra khi giá tăng nóng

  • 03/03/2022 16:46:47
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Tín hiệu vui đối với ngành thuỷ sản đó là xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỉ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Tuy nhiên, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt lưu ý đối với ngành cá tra, khi mức giá tăng cao cần kiểm soát cân bằng cung - cầu.

 

Giá cá tra tăng vọt lên tới 30.000 đồng/kg

Báo cáo triển vọng nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới dự kiến là 21,2kg vào năm 2030. Mức tiêu thụ này sẽ tăng 3,6% trong giai đoạn 2020 - 2030. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên thế giới vẫn trên đà tăng khoảng 5% mỗi năm.

Nhờ những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục được duy trì, tận dụng lợi thế, các doanh nghiệp Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh hoạt động sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá: Nỗ lực sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2021 đã mang lại nhiều bài học quý giá cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Nếu ngành thủy sản Việt Nam tận dụng tốt việc tăng nhu cầu trên thế giới để tăng thêm thị phần, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, thì hoàn toàn có thể duy trì được sự tăng trưởng. Trong đó, tôm và cá tra là hai mặt hàng chủ lực thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cả nước.

Theo VASEP, năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số; xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định.

                   Xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022.

Cùng với xuất khẩu tôm, xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường có tín hiệu khả quan với giá khá cao, dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng. Trong khi đó, giá cá tra nguyên liệu cũng tăng mạnh trở lại nên dự báo năm nay, ngành cá tra sẽ tăng trưởng tốt.

Cá tra đã xuất khẩu sang 133 thị trường, đạt kim ngạch 1,6 tỉ USD - tăng 8,4% so với năm 2020. Sản phẩm cá tra xuất khẩu nhiều nhất là phi-lê đông lạnh với hơn 98%. Giá cá tra xuất khẩu đang ở mức khá tốt, chẳng hạn thị trường Mỹ là 3,95USD/kg. Báo cáo của Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, giá cá tra thương phẩm đang ở mức 29.500 - 30.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với các tháng cuối năm 2021.

Từ tình hình xuất khẩu năm 2021 và phân tích sự hồi phục của các thị trường, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 được dự báo sẽ tăng từ 20 - 25%, giá cũng tăng 5% so với năm 2021.

Cẩn trọng nuôi thả kẻo cung vượt xa cầu

Tuy có những dự báo lạc quan, nhưng giới chuyên gia vẫn đưa ra cảnh báo, đừng thấy tăng giá mà ồ ạt nuôi thả bởi quá nhiều người nuôi cung sẽ vượt cầu, hệ luỵ là giá sẽ giảm, thậm chí rớt thảm. Đây không phải là câu chuyện mới mà đã từng xảy ra đối với ngành cá tra năm 2018. Giá rớt thảm sau thời điểm “tăng nóng”.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá nêu quan điểm, các ngành chức năng cần đưa ra phân tích cụ thể người nuôi lỗ hay lãi và thu lãi bao nhiêu khi giá cá tra nguyên liệu tăng lên 30.000 đồng/kg như hiện nay. Và cần cẩn trọng bởi không biết ai “chơi bài” nâng giá lên để thu mua một số lại bỏ đó.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang phản ánh, doanh nghiệp (DN) mong muốn giá cá tra nguyên liệu ổn định. Với giá thu mua như hiện nay thì DN xuất khẩu không có lãi bởi vì họ đã ký hợp đồng trước đó với đối tác.

“Giá cá tra nguyên liệu tăng kéo theo giá cá giống cũng tăng nóng. Bộ NN&PTNT cùng các ngành cần có định hướng để cung - cầu phù hợp, tránh tái diễn như năm 2018 là giá cá tăng quá cao dẫn đến 3 năm sau đó rớt thê thảm”, ông Lâm nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Tô Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP khuyến nghị, cần có định hướng cụ thể về việc nuôi cá tra. Người nuôi và DN phải cân đối cung cầu, gia tăng lợi nhuận, tránh phát triển nóng như năm 2018.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cần rà soát lại diện tích nuôi, không tăng ồ ạt, quản lý chất lượng giống, thức ăn dinh dưỡng, thú y phòng bệnh và đặc biệt là các tiêu chí chất lượng trong quá trình chế biến để đảm bảo xuất khẩu.

Thứ trưởng đề nghị các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại Đồng Tháp, tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp trên địa bàn tỉnh An Giang; đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo ổn định sản xuất.

Bộ NN&PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy sản tiếp tục triển khai các đề án với nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, hạ giá thành sản xuất.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận