Nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn
Năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh và 10,994 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của EVN thì điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020 (tiết kiệm khoảng 10.850 tỷ VNĐ – 21.000 tỷ VNĐ). Các nguồn NLTT đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao (như thời gian tháng 5-6 năm 2021), góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác như SOx, NOx, bụi, nhiệt. Song con số này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng điện năm 2020 là 157,15 tỷ kWh, năm 2019 là 231,1 tỷ kWh. Đặc biệt sản lượng điện từ thủy điện là 28,224 tỷ kWh, nhiệt điện than là 91,02 tỷ kWh, nhiệt điện khí là 34,30 tỷ kWh, nhiệt điện dầu là 0,54 tỷ kWh. Điều này cho thấy sản lượng điện của Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng hóa thạch.
Các chuyên gia cho rằng, vị trí địa lý và khí hậu của Việt Nam sẽ tiếp tục mang lại lợi thế cho việc phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nối tiếp những thành công đã đạt được với năng lượng mặt trời và điện gió, để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng có khả năng chống chịu, Việt Nam nên khám phá các nguồn năng lượng đa dạng trong tương lai như địa nhiệt, hydro và tài nguyên sinh khối. Cho tới nay, năng lượng gió trên bờ đã có hơn 4GW được xây dựng nhờ vào chính sách Biểu giá Điện tương hỗ (FiT).
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, hệ thống điện của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất điện từ các nhà máy thủy điện. Những vùng này sẽ ngày càng bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi lượng mưa phức tạp do tác động xấu của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cho thấy nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch sẽ tăng lên nhanh chóng và đặc biệt cao, chẳng hạn như than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nhập khẩu nhiên liệu tạo ra rủi ro lạm phát giá tiềm ẩn không mong muốn đối với người tiêu dùng. Điều này làm suy yếu nỗ lực của Tập đoàn Điện EVN trong việc tiếp tục cung cấp điện giá rẻ với số lượng ngày càng tăng.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo khẳng định, dịch chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là điều cần thiết. Việt Nam cần phát triển, tiếp nhận chuyển giao, xây dựng công nghệ xây lắp, sản xuất thiết bị, vận hành để nâng cao khả năng sản xuất nguồn năng lượng mới từ các nguồn tiềm năng như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, nguồn điện sạch,…
Chuyển sang năng lượng sạch
Trước thực trạng ngành điện phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng hóa thạch, các chuyên gia khuyến cáo Việt Nam nên tạm dừng phê duyệt nhà máy điện than mới. Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, công trình xanh và bao gồm cả việc xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công; thúc đẩy áp dụng các giải pháp quy hoạch, kiến trúc, vật liệu, kỹ thuật và quản lý dự án nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việt Nam cần áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện theo vòng đời, đồng thời tăng cường hơn nữa việc ứng dụng nhãn xanh trong sản xuất và thực hiện áp dụng Công bố sản phẩm môi trường.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, nhận xét: “Quy hoạch Phát triển Điện VIII (PDP VIII) vẫn quy định về việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch ở mức cao cùng với một mức công suất điện gió ngoài khơi còn khiêm tốn. Sự thiếu quyết tâm này có thể dẫn đến chi phí sản xuất điện năng cao một cách không cần thiết. Do đó, chúng tôi đặc biệt khuyến nghị chính phủ: Thực hiện tạm dừng phê duyệt nhà máy điện than mới trong Dự thảo PDP VIII; Cho phép người tiêu dùng điện tiếp cận với năng lượng sạch bằng cách thực hiện các Hợp đồng Mua bán Điện Trực tiếp trong các chương trình thí điểm và giảm bớt các rào cản quy định ban đầu đối với các nhà máy năng lượng sạch “sau công tơ”.
Hiệp hội doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam khẳng định, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ mất nhiều thời gian và trong tương lai gần, sự phát triển của các dự án khí đốt thành điện ngoài khơi, các dự án Khí tự nhiên hóa lỏng, Khí tự nhiên hóa lỏng xanh và Khí tự nhiên hóa lỏng/Hydro có tiềm năng mang lại lợi ích cả về kinh tế và môi trường. Chính sách thuế và trợ cấp nên xem xét kỹ lưỡng hơn và cân nhắc giữa nhiên liệu hóa thạch và việc phát triển trữ lượng dầu khí ngoài khơi của Việt Nam nếu chính sách thuế được thay đổi. Các công nghệ khí tự nhiên hóa lỏng giúp giảm lượng khí thải CO2 so với các nhiên liệu hóa thạch khác và có thể tăng khả năng thâm nhập năng lượng tái tạo. Hơn nữa, các công nghệ LNG có thể cung cấp điện với chi phí thấp hơn và mang lại giá cả ổn định hơn.
Lo ngại về việc EVN tiếp tục bù giá với số lượng lớn và chịu lỗ trong quá trình bán điện, ông Michael R. DiGregorio, Trưởng Nhóm Công tác môi trường Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến của Chính phủ Việt Nam trong việc khởi động chương trình NLTT với cơ chế biểu giá điện ưu đãi và Hợp đồng mua bán điện (PPA) do EVN bảo lãnh để đảm bảo khả năng vay vốn với xếp hạng Moody. Thông qua các chính sách này, Việt Nam đã có thể thu hút các nhà đầu tư và nhà sản xuất NLTT, qua đó trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lực năng lượng tái tạo trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, EVN không thể tiếp tục bù giá với số lượng lớn và chịu lỗ trong quá trình bán điện. Điều kiện tiên quyết cho phát triển điện bền vững là EVN phải có đủ tiềm lực tài chính. Mức giá quốc tế không bao gồm hỗ trợ đối với điện từ NLTT, LNG và các nguồn khác phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá điện của Việt Nam và giúp tuân thủ các thỏa thuận quốc tế về khí hậu. Ngoài ra, năng lực tài chính của EVN và các PPA có khả năng huy động vốn sẽ giúp các nhà đầu tư tư nhân có thể tiếp cận nguồn tài chính xanh với chi phí thấp hơn và giảm lượng phát thải CO2”./.