Chiếm đến 10% lượng cung nguyên liệu gỗ toàn cầu, xung đột Nga - Ukraine kèm theo những biện pháp trừng phạt về cấm vận của Mỹ và EU nhắm đến Nga sẽ tác động mạnh đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ toàn cầu trong đó có Việt Nam...
Xác định những bất lợi và đề xuất giải pháp về cơ chế chính sách để giúp doanh nghiệp ngành gỗ giảm tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine là nội dung chính của Tọa đàm trực tuyến do Hiệp hội Gỗ và lâm sản phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng nay (9/3) tại Hà Nội.
Chiếm đến 10% lượng cung nguyên liệu gỗ toàn cầu, xung đột Nga - Ukraine kèm theo những biện pháp trừng phạt về cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhắm đến Nga sẽ tác động mạnh đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ toàn cầu trong đó có Việt Nam...
Ông Võ Quang Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu cho biết: "Gỗ bạch dương (gỗ Birch) từ Nga về phải cân đối có thể vẫn có nhưng liệu ta phụ thuộc vào nguồn của Trung Quốc hay là tự mua thì có ổn hay không? Đồng thời hiện giá gỗ cũng đã bắt đầu tăng...".
Trong khi đó bà Phan Thị Thu Trang, Trưởng phòng xuất nhập khẩu gỗ An Lạc cho biết: "Gỗ nguyên liệu từ Ukraine trong 1 năm vừa qua giá cả tăng rất nhiều khiến doanh nghiệp cũng giảm dần sản lượng hàng từ Ukraine. Vì khi xung đột này xảy ra, sản lượng gỗ sản xuất ra bị trả lại và chi phí sản xuất vận tải tăng lên dẫn đến giá nguyên vật liệu mà mình mua thẳng từ Nga và Ukraine chắc chắn là sẽ tăng".
Theo ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Woodsland, nguồn cung gỗ từ Nga thiếu hụt có thể hình thành các nhu cầu mới về các loại gỗ thay thế cho các loại trước đó được nhập từ Nga. Hiện nay, nguồn gỗ rừng trồng của Việt Nam có thể trở thành một trong những nguồn gỗ thay thế, vì vậy cần có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung này.
"May mắn đối với các doanh nghiệp Việt Nam có nguồn gốc gỗ được trồng trong nước và giá cả cũng tương đối ổn định những năm qua đã không phải mất phí về vận chuyển và ổn định. Cho nên là một trong những kiến nghị đối với vùng hay Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn về chính sách nói chung, cố gắng làm sao trong tình hình bất ổn như bây giờ có thể duy trì được nguồn cung gỗ nội địa và bảo vệ nguồn vốn đó để phát triển cả về lượng và chất. Đấy là chỗ dựa rất lớn và rất là tốt cho các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam" - ông Bằng nhấn mạnh.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, chưa thể đoán định được xung đột sẽ kéo dài bao lâu và tác động nghiêm trọng như thế nào, vì vậy cần xây dựng các cơ chế chính sách kịp thời, sát thực tế, giúp các doanh nghiệp trong ngành giảm được các tác động tiêu cực, góp phần giúp ngành phát triển bền vững trong tương lai.
Theo ông Nghĩa: "Cần nhìn nhận đánh giá cụ thể và rất chủ động để có được những thích ứng tốt nhất cho ngành chế biến gỗ và lâm sản. Sau cuộc họp này, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng đồng hành và tiếp thu tất cả những ý kiến sau đó có một báo cáo chung và có những đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với việc thích ứng trong bối cảnh mới để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, có những giải pháp để ngành tiếp tục định hướng phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới"./.
Theo VOV.VN