Giải pháp nào để thu hút lao động quay trở lại làm việc tại vùng kinh tế trọng điểm

Trong quý 1 vẫn còn tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, với khoảng 120.000 lao động.

 

Tháng 9 năm ngoái, chị Nguyễn Thị Thương, quê ở Tuyên Quang, Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội quyết định nghỉ việc trở về quê sau hơn 1 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Về quê tránh dịch, chị Thương mở một sạp bán thực phẩm tại chợ gần nhà để có thu nhập trang trải cuộc sống. Vừa thoăn thoắt sắp gọn lại từng mớ rau lên sạp.

Chị Thương vừa tâm sự: "Thời điểm đó, giãn cách xã hội mà đi làm thì được có mấy ngày một tuần, lương thấp đi mà hàng ngày tôi vẫn phải mua chi phí sinh hoạt, ăn uống, rồi tiền nhà trọ, xong rồi mọi thứ đều tăng giá…. Nên tôi về quê, đi chợ mua bán lại các loại rau củ để có tiền trang trải cuộc sống. Thế mà cũng thấy ổn, vì ở quê chi phí ít, không phải thuê nhà, thế nên tôi không đi làm công nhân nữa".

Cùng chung hoàn cảnh, anh Trần Hồng Quân, quê ở Bắc Giang, sau gần 5 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội cũng quyết định nghỉ việc bởi công việc không ổn định, lương không đủ trang trải cho gia đình nhỏ.

Anh Quân cho biết: "Dịch bệnh ảnh hưởng tới các đơn hàng, rồi công ty không đủ nguyên liệu để sản xuất nên cứ phải nghỉ giãn việc ra nên tôi về quê nghỉ Tết, rồi nghỉ việc. Tôi xin đi giao hàng ở một cửa hàng thực phẩm, có thời gian lại nhận đơn ship hàng ngoài, nói chung công việc cũng thoải mái, lương cũng ổn định hơn làm công nhân".

Đây chỉ là hai trong hàng trăm nghìn người lao động nghỉ việc và không quay lại làm việc tại doanh nghiệp. Mỗi người một lý do khác nhau, nhưng sau một khoảng thời gian nghỉ việc tại doanh nghiệp trở về quê, họ đã tìm được việc làm mới tại quê hương.

Mặc dù số lao động những tháng đầu năm nay tăng trở lại với 50 triệu người có việc làm.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường lao động những tháng đầu năm nay đã có những tín hiệu khởi sắc, tại các địa phương nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, với khoảng 120.000 lao động. Số lượng lao động thiếu hụt này chủ yếu là lao động phổ thông.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều lao động lựa chọn lập nghiệp tại quê không quay trở lại nơi làm việc; giá cả thực phẩm, nhà ở tại nơi làm việc tăng cao; các chính sách thu hút, tuyển dụng lao động của doanh nghiệp hiện chưa hấp dẫn.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại một số khu vực kinh tế trọng điểm, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, kết nối cung cầu lao động giữa các địa phương.

"Tôi cho rằng cần triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động kịp thời, đúng đối tượng để thu hút lao động quay trở lại thị trường. Tổ chức phối hợp thông tin giữa các địa phương, trong công tác hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc. Tạo điều kiện cho người lao động di chuyển, hỗ trợ chi phí sinh hoạt ban đầu cho người lao động để thu hút hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh quay trở lại thị trường lao động" - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, những tháng đầu năm diễn ra tình trạng thiếu hụt lao động giản đơn, do một số lượng lớn người lao động bị nhiễm Covid-19 cùng một thời điểm, một số người lao động ở nhà chăm con khi trường học chưa mở cửa. Hiện, các doanh nghiệp chủ yếu thiếu lao động có kỹ năng. Do đó, cần tập trung đào tạo cho người lao động có kỹ năng nghề cung ứng cho doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn những nghề có nguy cơ thiếu hụt để đào tạo…

Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Thị Lan Anh khẳng định: "Đến thời điểm này, doanh nghiệp thiếu 10 - 20% lao động, chủ yếu là thiếu lao động có kỹ năng, đây mới là bài toán dài hạn. Doanh nghiệp rất muốn giữ chân lao động này bằng cách tăng lương sau tết 5 - 8%. Đồng thời có phụ cấp xăng xe, ăn trưa, đặc biệt là cho lao động có thâm niên để lao động có tay nghề, đã được đào tạo nhiều tiếp tục làm việc với doanh nghiệp".

Đề cập mức lương người lao động thấp nhưng chi phí tại nơi làm việc tăng cao, đặc biệt là chi phí nhà ở, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, mặc dù một số địa phương đã có biện pháp cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của công nhân trong các khu nhà trọ nhưng cần có các giải pháp căn bản, dài hạn về chính sách nhà ở cho công nhân để thu hút người lao động quay trở lại làm việc.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu: "Tôi nghĩ là cần ban hành các chính sách để thu hút lao động tới làm việc ở vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có chính sách nhà ở. Qua Covid-19, chúng ta thấy nhà ở là vấn đề vô cùng quan trọng. Vừa rồi giá thuê nhà lại tăng, người dân bảo bao nhiêu tháng không cho thuê nên bây giờ họ phai tăng giá chung. Nên công nhân có người lại e ngại. nên chính sách này rất quan trọng. Bên cạnh đó nơi ở, nơi học tập cho con họ nhất là các trường công để giảm chi phí gửi con".

Tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống của người lao động và gia đình họ là một trong những cơ sở để thu hút người lao động quay trở lại làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm, do đó, cần tiếp tục thúc đẩy các chính sách nhằm cải thiện thu nhập cho người lao động. Vừa qua, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã “chốt” phương án tăng lương tối thiểu vùng thêm 6%, vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về tiền lương tối thiểu vùng năm 2022. Qua đó giúp cải thiện mức sống của người thu nhập thấp, lao động phổ thông, bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như các doanh nghiệp, giảm thiểu tình trạng thiếu hụt lao động tại các khu kinh tế trọng điểm hiện nay./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận