Nội dung bao gồm: Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.
Dự thảo quy định, biển số được đưa ra đấu giá là biển ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà công an dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc một năm.
Việc này không áp dụng với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao...
Đối tượng được tham gia đấu giá là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; cơ quan tổ chức đấu giá là công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký quản lý phương tiện...
Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá xác định như nào?
Việc xác định giá khởi điểm được chia thành 2 vùng, với mức giá khác nhau.
Vùng 1 (Hà Nội và TP.HCM): Giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá (đơn vị tính là VNĐ) = Mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương x 2.
Vùng 2 (các địa phương khác): Giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá (đơn vị tính là VNĐ) = Mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương x 10.
Người trúng đấu giá sẽ có quyền ký hợp đồng với cơ quan đấu giá nhằm xác lập quyền với biển số trúng đấu giá để sử dụng. Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu, hay còn gọi là "biển số đi theo người". Khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá.
Đồng thời, biển trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia và trúng đấu giá. Biển số trúng đấu giá được cơ quan đăng ký quản lý và chỉ cấp khi người trúng đấu giá làm thủ tục đăng ký theo quy định về đăng ký xe. Cơ quan này có quyền thu hồi biển số trúng đấu giá khi biển số được sử dụng không đúng quy định pháp luật. Ví dụ, xe gắn biển số trúng đấu giá vi phạm pháp luật bị tịch thu.
Hiện nay, Bộ Công an đang thực hiện thu lệ phí đăng ký số tiền hàng năm rất lớn, theo thống kê năm 2020 thu 3.892 tỉ Việt Nam đồng, 6 tháng đầu năm 2021 thu 1.797 tỉ Việt Nam đồng và toàn bộ số tiền này đều nộp vào ngân sách nhà nước; trong khi nguồn chi phí cho việc thu lệ phí đăng ký, cấp biển số do ngân sách nhà nước bố trí theo quy định của pháp luật còn rất thấp.
Bộ Công an dự kiến, số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
“Việc chuyển đổi từ biển số đi theo xe sang biển số đi theo người (bán xe được giữ lại biển số và được đăng ký sử dụng biển số đó khi mua xe mới) sẽ rất thuận lợi cho việc xác định chủ xe là ai, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, với hệ thống đăng ký, quản lý điện tử của lực lượng CSGT...”, Bộ Công an nhận định.
Đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân để chủ phương tiện có quyền lựa chọn biển số xe theo sở thích, song hành với hệ thống đăng ký xe bằng hình thức ngẫu nhiên hiện nay.
Cùng đó là khai thác có hiệu quả biển số (tài sản công) để tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá biển số, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách để phát triển kinh tế - xã hội.
Lê Tùng/VOVgiaothong.vn