Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2021 do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức sáng 10/5.
Khác với kết quả khảo sát 10 năm trước, năm 2021, sự phân bố các tỉnh trong nhóm đạt điểm cao nhất phân bổ đều hơn ở phía Bắc và phía Nam.
Điểm nội dung thành phần công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công vẫn thấp nhất trong 4 nội dung thành phần cấu thành chỉ số nội dung này. Theo phản ánh của người dân, hiện trạng chung chỉ để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở các địa phương giàu có cũng như còn nghèo. Mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn gồm công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường. Ngay cả ở những tỉnh được điểm cao ở chỉ tiêu này như Bình Dương và Thanh Hoá. Tương tự kết quả năm 2020, Sơn La và Điện Biên vẫn là những tỉnh nơi hiện trạng “vị thân” vẫn phổ biến nhất.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Nhóm Nghiên cứu PAPI cho rằng: “Người dân đánh giá tốt hiện tượng tham nhũng trong khu vực công, điểm từ 5,4 đến 8,15. Những tỉnh xuất sắc nhất được người dân cho 8/10 điểm là điều không đơn giản. Thường những năm trước các tỉnh thành xuất sắc nhất sẽ tập trung ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, năm nay chúng ta thấy bắt đầu ở miền Nam, ĐBSCL, một số tỉnh Nam Trung Bộ đã khởi sắc và có nhiều tỉnh phía Nam lọt vào nhóm thứ nhất và thứ hai”.
Tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi lót tay dao động từ 40% đến hơn 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hiện trạng chung chi để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như Cao Bằng, Đắc Lắc và Sóc Trăng. Trong khi đó tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn dao động từ 40 đến 80% ở khoảng 40 tỉnh, thành phố.
Về trách nhiệm giải trình với người dân, không có tỉnh, thành phố nào đạt mức cải thiện đáng kể so với kết quả năm 2020. Điểm số của các tỉnh Bến Tre, Cao Bằng, Quảng Bình và Quảng Trị giảm hơn 20% sau 2 năm. Trung bình chưa đến 40% người trả lời trên toàn quốc cho biết họ đã gửi đề xuất, khuyến nghị, tố giác tới chính quyền địa phương, song không phải ai cũng hài lòng với kết quả nhận được.
Đáng chú ý, trong cung ứng dịch vụ công, có tới 50 tỉnh, thành phố đạt điểm số năm 2021 cao hơn đáng kể so với điểm chỉ số nội dung này của năm 2020. Điện Biên là tỉnh duy nhất giảm điểm đáng kể. Bệnh viện công huyện, quận, thành phố ở tất cả các tỉnh thành phố cần cải thiện ở tất cả 10 tiêu chí đánh giá trong khảo sát PAPI.
Đặc biệt, những người sử dụng dịch vụ này ở các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Cao Bằng, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Sóc Trăng và Bình Phước cho điểm thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác. Ngay cả những người sử dụng dịch vụ ở những tỉnh đạt điểm cao nhất như Phú Yên, Thanh Hoá vẫn phàn nàn về việc phải dùng chung giường bệnh, nhà vệ sinh không sạch sẽ, và thời gian chờ đợi đến lượt được khám bệnh còn dài.
Trong khi đó mặc dù tình hình an ninh, trật tự được đánh giá khá hơn những năm trước, tỷ lệ người là nạn nhân của tội phạm an ninh trật tự ở các tỉnh còn nghèo có xu hướng cao hơn. Trong số 16 tỉnh nơi có tỷ lệ nạn nhân trên 10% Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, và Khánh Hoà là 3 tỉnh phát triển hơn so với 13 tỉnh còn lại.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Nâng cao chỉ số hiệu quả hành chính công PAPI là một trong những nội dung quan trọng mà lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa hướng đến thực hiện trong cả hệ thống chính trị lẫn cộng đồng doanh nghiệp, để thực hiện tốt trong các năm tiếp theo. PAPI động lực cho hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở thực hiện quyết tâm thực hiện các chỉ số, góp phần nâng cao công tác phục vụ nhân dân được tốt hơn”.
Về thủ tục hành chính công, theo đánh giá, năm 2021, các tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu phân bố khá đều trên toàn quốc. Tuy nhiên các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ dường như tụt lại phía sau. Tương tự kết quả năm 2020. Thủ tục và dịch vụ hành chính công liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều nhiêu khê hơn so với thủ tục và dịch vụ hành chính liên quan đến chứng thực, xác nhận của các cấp chính quyền và giấy tờ tuỳ thân được thực hiện ở cấp xã phường, thị trấn. Người sử dụng dịch vụ hành chính liên quan tới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy tờ tuỳ thân ở Cà Mau, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Long An và Tuyên Quang có trải nghiệm sử dụng dịch vụ của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tốt hơn so với người sử dụng dịch vụ ở các tỉnh, thành phố khác./.
Lại Hoa/VOV1