Bắc Giang đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2022. Cụ thể, Bắc Giang sẽ tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; phát triển một số sản phẩm thế mạnh hướng tới thị trường xuất khẩu. Hình thành mạng lưới các doanh nghiệp, chủ thể kinh tế làm động lực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ trên cơ sở phát huy lợi thế theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Về tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực và nhận thức về Chương trình OCOP. Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP phù hợp với từng địa phương, đối với các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện và phát triển sản phẩm. Phấn đấu năm 2022 nâng hạng sao từ 5 - 10 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được công nhận OCOP; đối với sản phẩm mới, rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, làng nghề và sản phẩm du lịch nông thôn. Phấn đấu năm 2022 có thêm 25 - 30 sản phẩm đạt 3 sao trở lên (mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 - 3 sản phẩm); xây dựng, phát triển ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia (dự kiến vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ gạo Chũ,…). Rà soát, lựa chọn để xây dựng mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch, phấn đấu có tối thiểu 1 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn nhằm thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch của tỉnh.
Vận dụng linh hoạt các chính sách để tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP các nội dung về quản lý nhãn hiệu, tem nhãn mác sản phẩm;... đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản bằng các hình thức: tham gia các hội chợ, hội nghị, hội thảo liên kết xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP… Hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng website quảng bá sản phẩm để phục vụ cho hoạt động tuyên truyền quảng bá và bán hàng. Tiếp tục xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện, thành phố; phối hợp đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Xây dựng, xuất bản ấn phẩm, tạp chí chuyên đề OCOP quảng bá trên hệ thống tuyến du lịch, các điểm dừng chân, các danh lam thắng cảnh...
Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch dự kiến năm 2022 là 6,4 tỷ đồng được trích từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới năm 2022.