Nghịch lý giá vàng
Ngày 13/6, giá vàng thế giới chạm mức 1.872 USD/ounce, tương đương 52,8 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí) thì vàng SJC là 69,7 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch là 16,9 triệu đồng/lượng. Còn ngày 14/6, giá vàng thế giới giảm mạnh chỉ còn 1.817 USD/ounce, tương đương 51,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC cũng giảm 1 triệu đồng so với phiên 13/6 xuống còn 68,7 triệu song vẫn cao hơn vàng thế giới là 17,4 triệu đồng/lượng. Được độc quyền nhập khẩu nhưng giá vàng SJC luôn luôn cao hơn giá vàng các thương hiệu khác cả chục triệu đồng.
Chuyện giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới kéo dài ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Dù Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm điều chỉnh giá vàng, đặc biệt là ban hành Nghị định 24 quy tất cả về một mối, nhưng trong vòng một năm trở lại đây, giá vàng trong nước liên tục cao hơn thế giới trên dưới 10 triệu đồng/lượng. Có những thời điểm giá vàng SJC cao hơn giá thế giới 15 - 18%, điều trước đây chưa từng có.
Trước thực trạng này, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng. Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đoàn Hà Nội khẳng định, đây là diễn biến không bình thường của thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay, thể hiện thị trường này có rất nhiều điểm bất ổn và bất hợp lý. Giá vàng tại Việt Nam có lúc cao hơn đến trên 20 triệu đồng trên một lượng, rồi chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng trang sức SJC cùng hàm lượng hoặc với giá vàng miếng của các thương hiệu khác, gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và làm gia tăng lạm phát.
Đồng quan điểm này, đại biểu Trịnh Xuân An - đoàn Đồng Nai - cũng cho rằng: “Có lẽ Việt Nam là nước duy nhất đi ngược với thế giới là khi nào giá vàng thế giới giảm thì chúng ta lại tăng. Có những lúc lên đến khoảng cách gần 20 triệu. Tôi nghĩ đây là chuyện không thể chấp nhận được”.
Liệu có sự bắt tay, thao túng giá vàng SJC hay không?
Mức giá chênh lệch giữa vàng Việt Nam và thế giới thời gian gần đây dao động từ 15 - 20 triệu đồng/lượng nên tình trạng buôn lậu vàng ở Việt Nam diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Các đối tượng buôn lậu vàng bất chấp nguy hiểm, tìm mọi thủ đoạn để có thể kiếm lời từ chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Hệ lụy của việc buôn lậu vàng, ngoài thất thu thuế, gây vàng hóa, còn có tác động trực tiếp tới giá ngoại tệ, nhất là đồng USD.
Khoản chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rơi vào túi ai là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đoàn Hà Nội đặt câu hỏi: “Liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không? Đến thời điểm nào thì Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 năm 2012 để có thể xử lý các vấn đề bất cập của hoạt động kinh doanh vàng trong suốt thời gian qua”.
Lý giải về nghịch lý giá vàng SJC, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, sở dĩ giá vàng miếng SJC có chênh lệch lớn như vậy do từ năm 2014 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, vì vậy nguồn cung vàng miếng trong nước bị giảm. “Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, qua tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng, chúng tôi có số liệu là người dân cũng không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều”.
Trái ngược với nhận định của bà Thống đốc khi cho rằng “người dân không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều”, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa công bố thông tin mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng người Việt đã tiêu thụ đến 43 tấn vàng trong năm 2021.
Câu trả lời của bà Nguyễn Thị Hồng chưa thỏa đáng, khiến nhiều người còn băn khoăn. Bởi việc thực hiện Nghị định 24 để chống vàng hóa trong nền kinh tế, tránh đông cứng dòng tiền không phải việc của người dân. Cái người dân cần là giải pháp để phá thế độc quyền của vàng miếng SJC, tạo sân chơi bình đẳng, lành mạnh. Người dân có quyền được mua vàng với đúng giá trị thực của đồng tiền bỏ ra, không bị “ăn chặn hay thổi giá”.
Tháng 1/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an Tây Ninh vừa khởi tố vụ án, khởi tố 3 đối tượng: Nguyễn Hoàng Hiếu (32 tuổi), Trần Quốc Tuấn (38 tuổi) cùng ngụ xã Long Thuận, huyện Bến Cầu và Trần Kim Ngọc (54 tuổi) ngụ ấp Tân Thới 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP HCM về hành vi buôn lậu. Tổng số tang vật công an thu giữ 54kg vàng thỏi, 2 kg vàng nữ trang, 84 chỉ vàng và 1,2 tỷ đồng. |
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao, cho thấy thị trường vàng trong nước không tương đồng với thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, vận hành theo cơ chế thị trường. Việc SJC là đơn vị duy nhất được lựa chọn sản xuất vàng miếng sẽ tạo ra thế độc quyền cho một thương hiệu. Đây là vấn đề cần tính đến, phải tạo ra sự cạnh tranh, tránh việc dùng những mệnh lệnh hành chính tác động vào thị trường, tránh việc tạo ra một thương hiệu, một sản phẩm vượt trội hơn những sản phẩm, thương hiệu khác.
Như vậy, để giảm chênh lệch giá vàng đã đến lúc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải sớm nghiên cứu điều chỉnh sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng./.