Phân bón mua nhiều giá sẽ giảm

  • 23/06/2022 20:48:04
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Giá phân bón tăng 4 lần liên tiếp, có mặt hàng tăng 250%, trong khi tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, giá nông sản khó tăng khiến nông dân điêu đứng. Họ đang mong chờ giải pháp bình ổn giá từ phía các cơ quan chức năng.

Có xu hướng giảm giá nhưng không đáng kể

Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ đầu năm 2022, giá ure trên thế giới có dấu hiệu giảm dần trong tháng 3, tăng nhẹ trở lại vào tháng 4 và tháng 5. Cụ thể, giá ure bình quân tháng 1/2022 là 18,7 triệu đồng/tấn, tháng 2 là 16,25 triệu đồng/tấn, tháng 3 là 14,16 triệu đồng/tấn, tháng 4 là 16,7 triệu đồng/tấn, tháng 5 là 16,45 triệu đồng/tấn.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, giá phân ure thế giới giảm mạnh là do Trung Quốc thay đổi chính sách cho phép xuất khẩu phân bón trở lại khi cao điểm mùa vụ tại Trung Quốc đã qua.

Bà Hiền phân tích, khảo sát của PVCFC cho thấy, nông dân tại khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên bỏ ruộng nhiều; nông dân miền Tây Nam Bộ bỏ vụ ba do sản xuất nông nghiệp không hiệu quả vì giá vật tư nông nghiệp đầu vào cao trong khi giá nông sản thấp. Với nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp như vậy, cộng với áp lực giá thế giới giảm, giá phân bón trong nước cũng có xu hướng giảm giá.

Khảo sát tại thị trường trong nước, giá phân ure tại Tân Quy, TP Hồ Chí Minh hiện dao động trong khoảng 16 triệu đồng/tấn tùy loại, giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn so với đầu năm. Tại thị trường Nam bộ, giá phân bón hiện tại vẫn duy trì ở mức cao: Phân urê giá khoảng 16.000 - 16.500 đồng/kg, phân kali 18.000 đồng/kg, phân DAP từ 22.000 - 26.500 đồng/kg

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết, giá phân bón bắt đầu tăng phi mã từ năm 2020 đến nay và đạt đỉnh cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cước vận chuyển tăng mạnh; giá dầu, giá khí tự nhiên tăng cao. Đặc biệt do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, là những cường quốc xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Riêng với Nga, từ ngày 10/3 vừa qua đã dừng hẳn việc xuất khẩu phân bón ra thế giới. Điều này dẫn đến nguồn cung phân bón toàn cầu mất cân đối.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cho biết từ đầu năm đến nay, giá lưu huỳnh đã tăng hơn 85,3%; giá NH3 tăng 36,8%, tương đương với mức tăng 319 USD/tấn. Nếu tính từ cuối năm 2020, giá NH3 đã tăng gấp 3 lần. Bên cạnh đó, giá than cũng tăng 30,7%, tương đương 570.000 đồng/tấn. Tới đây khi nguồn than khan hiếm, dự kiến giá than còn tiếp tục tăng; giá dầu FO sấy nguyên liệu tăng 33,8%; giá cước vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng cao… Giá quặng apatit tuyển tăng rất mạnh, từ 1.045.000 đồng/tấn (tháng 5/2021) lên 1.450.000 đồng/tấn (tháng 4/2022), tương ứng 38,8%...

Công ty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao cũng thông tin đang phải nhập các nguồn nguyên liệu với giá rất cao như kali, lưu huỳnh, SA, quặng apatit. Đặc biệt, phân kali do cả Nga và Belarus sản xuất chiếm gần 50% lượng phân kali cung cấp trên toàn thế giới đã đẩy giá kali lên rất cao, từ 11 triệu đồng lên gần 20 triệu đồng/tấn.

Trong bối cảnh đó, mặc dù lo ngại việc tăng giá sẽ giảm sức mua, nhưng các doanh nghiệp (DN) phân bón trong nước phải điều tiết giá thành theo giá nguyên liệu trên toàn cầu nên việc kìm giá phân bón là bài toán khó.

Cần chính sách của Nhà nước

Để giảm nhiệt giá phân bón, ông Phùng Hà cho biết, hiệp hội đã kiến nghị các DN cần phát huy trách nhiệm xã hội, ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp trong nước trước khi nghĩ tới xuất khẩu, cho dù phân bón không thuộc mặt hàng cấm xuất khẩu. Cùng với đó, các doanh nghiệp tăng tối đa công suất sản xuất, giảm các đầu mối trung gian, đưa thẳng sản phẩm đến tay người nông dân.

FAV đã kiến nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn nông dân áp dụng 5 đúng trong sử dụng phân bón gồm: số lượng đúng, chủng loại đúng, thời tiết đúng, mùa vụ đúng, phương pháp đúng. Bên cạnh đó, tăng cường sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp để thay thế một phần phân vô cơ.

Bà Nguyễn Thị Hiền cho biết, PVCFC áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ để rút ngắn khoảng cách kênh bán hàng và tạo ra các sản phẩm phân bón chất lượng cao, phân bón chứa vi sinh vật có ích… giúp nông dân tiết kiệm đến 30% lượng phân bón.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp nhưng vật tư đầu vào vẫn phụ thuộc nhiều vào thế giới, nông dân phải chịu giá cao. Vì vậy, ngành nông nghiệp đang xây dựng chiến lược để nâng cao tính tự chủ, giảm thiểu rủi ro phụ thuộc về giá.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công thương đã có rất nhiều cuộc họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các DN liên quan đến lĩnh vực này, để cố gắng thuyết phục giảm giá. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt mệnh lệnh hành chính bắt buộc giảm giá. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, phát hiện hành vi sai phạm, tránh tình trạng găm hàng, tích trữ để đẩy giá lên cao,

Đặc biệt, Bộ trưởng tha thiết mong 14 triệu nông dân tham gia vào kinh tế tập thể, hợp tác xã. Vì khi vào hợp tác xã mua càng nhiều, mức chiết khấu càng lớn, giá phân bón sẽ giảm hơn. Cùng với đó, việc tham gia vào hợp tác xã cũng sẽ giúp người nông dân cùng tìm giải pháp đối mặt được với những rủi ro đứt gãy thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau: “Việc bình ổn giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp mà phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành của Nhà nước”.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam: “Khi giá phân bón tăng cao thì hiện tượng phân bón giả, phân bón kém chất lượng sẽ xuất hiện càng ngày càng nhiều. Vì vậy, FAV đề nghị các cơ quan quản lý tăng cường các chế tài xử phạt để lành mạnh thị trường và bảo vệ lợi ích của

 

Bình luận

    Chưa có bình luận