Thương mại điện tử đưa nông sản miền Trung vươn xa

  • 30/06/2022 02:57:04
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Cùng với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh thương mại điện tử mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân miền Trung có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

 

Khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển

Miền Trung được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển. Tốc độ tăng trưởng của khu vực bình quân hàng năm đạt từ 9,5 - 11%, cơ sở hạ tầng kinh tế đã từng bước hoàn thiện với sự hình thành và phát triển của các khu công nghệ cao, 57 khu CN, 7 khu kinh tế, 4 cảng nước sâu, 166 cụm công nghiệp, 132 siêu thị, 21 trung tâm thương mại… và là địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Trong đó, Bình Định là một trong những tỉnh có nền văn hóa, du lịch phong phú cùng với nhiều sản phẩm nông đặc sản nổi bật của địa phương được người tiêu dùng cả nước quan tâm. Với điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu thích hợp để phát triển, các giống cây trồng như lúa, mai vàng, dừa và nhiều loại rau sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hay các sản phẩm khác của làng nghề Bàu Đá, Mỹ An, … là những sản phẩm có chất lượng tốt, có tiềm năng phủ sóng tại các tỉnh thành khác trên cả hai kênh phân phối truyền thống và hiện đại.

Nguồn ảnh: Bộ Công Thương cung cấp

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2021, chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Bình Định hiện đứng thứ 21/63 tỉnh, thành cả nước. Với 133 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP với chất lượng mẫu mã đẹp đủ điều kiện tiêu thụ vào các kênh bán lẻ hiện đại, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội giai đoạn 2016 - 2021 (đạt 405.642 tỷ đồng) là 9,6%, thương mại điện tử của tỉnh Bình Định có cơ sở vững chắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng kênh phân phối mới, nâng cao giá trị các sản phẩm của địa phương.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho rằng, hiện tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung vẫn còn một số mặt hạn chế trong hoạt động kết nối cung cầu đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt là liên kết giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng còn rất ít.Trên thực tế, nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu... ở nhiều địa phương tại miền Trung cũng không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng phương thức bán hàng vẫn còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong khâu vận hành trên các sàn thương mại điện tử.

Kết nối thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Đứng trước thực trạng này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương Bình Định tổ chức Hội nghị tập huấn và kết nối thương mại điện tử với doanh nghiệp Bình Định và các tỉnh miền Trung năm 2022. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của các Sàn thương mại điện tử lớn như Voso, Postmart, Lazada, Shopee… nhằm đào tạo, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng các giải pháp số, tài chính số trong phát triển sản xuất, kinh doanh theo các mô hình hiện đại.

Nguồn ảnh: Bộ Công Thương cung cấp

Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định chia sẻ, tỉnh Bình Định đã rất quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho sản phẩm nông sản của địa phương để tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương hiệu quả hơn.

Còn bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian qua cơ quan nhiều tỉnh, thành phố ở miền Trung đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị đối tác liên quan tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử và các hoạt động phát triển thị trường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm Việt. Ngoài những nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương, nhiều cá nhân như nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu... cũng chủ động “chào hàng trực tuyến” trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Nguồn ảnh: Bộ Công Thương cung cấp

Nhằm hỗ trợ cho nông sản đặc trưng tiêu biểu của tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung dễ dàng tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nâng cao giá trị và thương hiệu nông sản của địa phương, đại diện đến từ các sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart, Lazada, Shopee… và các đối tác đã giới thiệu, hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh miền Trung làm thế nào để phân phối sản phẩm trên sàn thương mại điện tử một cách hiệu quả nhất cũng như chia sẻ các giải pháp hỗ trợ ngân hàng số, thanh toán số, tài chính số khi doanh nghiệp muốn tham gia thương mại điện tử với sự hỗ trợ của Ngân hàng VPBank hay truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá từ Công ty Icheck.

Bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại sàn thương mại điện tử Lazada: Chúng tôi tin tưởng rằng khi tham gia vào kinh doanh trên thương mại điện tử, các doanh nghiệp, các HTX, các hộ gia đình, nông dân của tỉnh Bình Định có thể tiếp cận tập khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh việc phân phối các mặt hàng đặc sản của tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung trên môi trường trực tuyến.

Việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn thương mại điện tử chính là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận