Ngày 14/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về phát triển bất động sản, cùng tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương. Hội nghị diễn ra khi thị trường BĐS có nhiều diễn biến mới, tiềm ẩn không ít rủi ro. Chính vì thế, Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ góp phần triển khai kịp thời Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Trung ương, tháo gỡ các khó khăn, xử lý các bất cập, vướng mắc, hạn chế của thị trường BĐS, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Thời gian qua, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai đã được điều chỉnh bổ sung thường xuyên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong thực tế. Một số văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền địa phương chậm được ban hành, nhiều văn bản hướng dẫn có nội dung không rõ ràng gây khó khăn cho quản lý nhà nước về đất đai cũng như cho người dân và doanh nghiệp, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho các “nhóm lợi ích” triệt để lợi dụng và cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng tham nhũng phổ biến trong quản lý và sử dụng đất đai nhất là khi giá trị đất đai ngay càng tăng lên và chưa được định giá một cách tương xứng.
Lợi ích nhóm trong quản lý, sử dụng đất đai: Hòn đá tảng cần phải đập bỏ
TS. Đặng Kim Ngân - Phó Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng các nhóm lợi ích thực hiện thông qua việc hối lộ các cán bộ công chức để có thông tin quy hoạch trước, để đón lõng, đón đầu thị trường thực hiện các dự án đầu tư và trì hoãn công bố quy hoạch để thu gom đất đai đầu cơ kiến lời. Họ “lobby” để lái chủ trương chính sách theo kịch bản của họ, hoặc “móc ngoặc” để được biết trước thông tin về quy hoạch, họ mua trước với giá rất rẻ những khu đất sẽ có giá trị sau khi quy hoạch, khi công bố quy hoạch, giá đất sẽ tăng lên và khi đến mức cao nhất thì họ bán, kiếm siêu lợi nhuận. Người dân không biết thông tin nên bán rẻ, hoặc bị đền bù giải tỏa với giá thấp nên bị thiệt rất nhiều.
“Nhóm lợi ích” cũng chi phối các dự án quy hoạch hậu quả là đất đai bị quy hoạch treo, quy hoạch chéo vượt quá khả năng đầu tư quản lý của doanh nghiệp; người dân có nguy cơ mất đất không dám đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và hậu quả là trong cả nước có hàng ngàn hec-ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang, đời sống của nông dân cực kỳ khó khăn, quỹ đất còn nhiều nhưng người dân vẫn thiếu đất canh tác, sản xuất.
Chính vì việc quy hoạch chưa tốt và thực hiện quy hoạch chưa nghiêm, thực tế hiện nay ghi nhận tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu” về đất. Đất dùng cho khu công nghiệp và cụm công nghiệp thì quy hoạch tới 100.000 ha nhưng sử dụng chưa hiệu quả. Cả nước có tới 267 khu công nghiệp với diện tích 72 nghìn ha, nhưng tỷ lệ lấp đầy cho đến nay chỉ 46%. Chuyện “dự án treo” và đất quy hoạch sân gôn tập trung ở các nơi vốn là đất hai vụ lúa, đất “bờ xôi ruộng mật” không được sử dụng hiệu quả, bỏ hoang hóa, đang có nguy cơ thu hẹp mục tiêu giữ vững 3,8 triệu ha đất lúa.
Hiện nay, có ít nhất 3 bộ quản lý nhà nước thực hiện 3 loại quy hoạch trên cùng một mặt bằng đất đai. Quy hoạch kinh tế - xã hội thì do Bộ Kế hoạch và đầu tư, quy hoạch sử dụng đất thì do Bộ Tài nguyên và Môi trường trong khi quy định về xây dựng thì do Bộ Xây dựng thực hiện. Tình trạng này đã tạo ra sự mâu thuẫn, chồng chéo và đôi khi dẫn đến bế tắc trong vận hành các công cụ quản lý. Việc cùng một lúc các cơ quan khác nhau cùng lập quy hoạch cho một mặt bằng không những gây lãng phí, tốn kém ngân sách, lãng phí nhân công mà còn tạo ra sự thiếu đồng bộ. Sự chồng chéo này cũng là mảnh đất màu mỡ cho các “nhóm lợi ích” thực hiện việc “chạy” quy hoạch.
Ưu đãi đất đai – con bài lớn để thu hút đầu tư
Để thu hút đầu tư, theo TS Đặng Kim Ngân, các tỉnh đều sử dụng lợi thế duy nhất là ưu đãi về đất đai với sự hào phóng về phí sử dụng đất, mở rộng thời kỳ miễn giảm thuế lên đến 10 - 20 năm và các doanh nghiệp cũng tận dụng hết sự ưu đãi này. Rút cuộc, cuộc đua của các tỉnh không mang lại lợi ích chung cho cả nền kinh tế. Quy hoạch tổng thể bị cày xới, cách làm này tạo nên sự phát đạt cho một vài người, một nhóm người là quan chức và doanh nghiệp nhưng lại gây hại cho sự phát triển chung của đất nước.
“Lợi ích nhóm” trong việc cấp đất và giao đất, đấu thầu quyền sử dụng đất. Đây cũng là khâu “nhóm lợi ích” hoạt động tích cực dẫn đến việc cấp đất, giao đất trái thẩm quyền; cấp cho các doanh nghiệp chỉ có khả năng lobby chứ không có khả năng thực hiện dự án dẫn đến có quá nhiều dự án đã giao đất nhiều năm cho các chủ đầu tư để hoang hóa, sử dụng sai mục đích.
Ở một góc nhìn khác, theo ông Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, do chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nên không phân biệt đâu là đất công, đâu là đất tư. Sự mập mờ khái niệm kiểu này là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Mặt khác, khái niệm giá trị đất đai, quyền tài sản đất đai không minh bạch cũng là một khiếm khuyết làm cho giá trị đất đai do nhà nước xác định thấp hơn thị trường khá nhiều, cũng tạo cơ hội tham nhũng trong quá trình nhà nước giao đất, cho thuê đất từ khu vực công sang khu vực tư.
Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, vấn đề minh bạch tài sản đất đai, bất động sản và các tài sản khác còn quá chậm. Nhà nước chưa có chính sách cụ thể nào được ban hành. Vừa qua, Quốc hội thảo luận các kỹ lưỡng nhưng ý kiến kết luận chưa tập trung. Chừng nào ở Việt Nam chưa có quy định chặt chẽ về việc buộc các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phải công khai mình đang nắm giữ bao nhiêu đất đai thì chưa có hi vọng để đảm bảo cuộc chiến phòng, chống tham nhũng đạt tới kết quả tích cực.
Trở lại câu chuyện giao đất, theo TS Đặng Kim Ngân, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng các dự án, khu vực ưu tiên đầu tư với mục đích không đem lại hiệu quả công cộng như: giao đất, thuê đất để làm khu sản xuất, sinh thái, du lịch nhưng lại chia lô bán nền kiếm lợi nhuận hoặc các cơ quan đơn vị, địa phương được giao đất tiếng là đất công nhưng tập thể, đơn vị được giao đất lại cho thuê để đầu tư sử dụng vào mục đích khác đem lại lợi ích cho “nhóm lợi ích”. Tình trạng giao đất không thông qua đấu giá còn phổ biến dẫn đến việc xác định giá thu tiền sử dụng đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, tạo điều kiện để một số nhà đầu tư đầu cơ, thu lợi gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Về phía các doanh nghiệp, TS Đặng Kim Ngân cho rằng, các nhà thầu hiện nay để được giao đất, nhận đất doanh nghiệp phải “lobby” với khoản tiền bôi trơn không kém tiền mua đất, doanh nghiệp phải thiết lập quan hệ với chính quyền địa phương, phải đút lót, hối lộ các cơ quan có thẩm quyền, chạy vạy khắp nơi, các sở, ngành liên quan đến việc quyết định giao đất với các loại chi phí lót tay và kết quả là họ “chụm đầu lại” hợp pháp hoá quyết định giao đất cho doanh nghiệp và một khoản tiền không nhỏ đã được giới doanh nghiệp, chủ đầu tư “bơm’ vào bộ máy công quyền để có được những giấy tờ giao đất, phê duyệt quy hoạch, dự án ra đời./.
An Nhi/VOV.VN