Tỉnh Quảng Nam có chiều dài bờ biển hơn 125km cùng nhiều dòng sông chảy theo hướng Nam - Bắc. Tỉnh Quảng Nam xác định phát triển đô thị ven sông, ven biển là hạt nhân trong quá trình xây dựng quy hoạch, đảm bảo đi trước, đón đầu, duy trì nhịp độ phát triển.
Sau khi cầu Cửa Đại và đường ven biển Võ Chí Công đưa vào sử dụng, những năm qua, vùng Đông tỉnh Quảng Nam hình thành chuỗi đô thị ven biển, giữ vai trò chủ đạo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuyến đường ven biển này kết nối tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng và Khu công nghiệp Dung Quất - tỉnh Quảng Ngãi, thúc đẩy liên kết phát triển đô thị, du lịch và dịch vụ.
Trước khi có đường ven biển Võ Chí Công, vùng Đông các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình là một vùng cát trắng. Những năm gần đây, hàng loạt khu vui chơi, giải trí, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế mọc lên.
Ông Kiều Ngọc Tư, ở thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cảm nhận, vùng quê nghèo khó giờ đã hình thành chuỗi đô thị ven biển sầm uất, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
“Diện mạo vùng Đông Quảng Nam thay đổi từng ngày, từng giờ chứ không phải từng năm, bà con chúng tôi hết sức phấn khởi. Qua kết nối đô thị này đã góp phần rất lớn giúp hàng vạn lao động có công ăn việc làm tại các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí” - ông Kiều Ngọc Tư nói.
Quảng Nam hiện có 19 đô thị, gồm 1 đô thị loại II là thành phố Tam Kỳ, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 16 đô thị loại V. Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ đã mở ra cho tỉnh Quảng Nam một dải ven biển rộng lớn với quỹ đất và tiềm năng phát triển chuỗi đô thị đặc thù.
Đó là các đô thị Điện Bàn với vị trí, không gian mở rộng của đô thị Đà Nẵng; Di sản văn hóa thế giới Hội An với đặc thù là đô thị di sản, du lịch; Đô thị Duy Xuyên, Thăng Bình có điều kiện phát triển hệ thống đô thị ven biển và dọc theo sông Thu Bồn, Trường Giang; Đô thị Chu Lai - Núi Thành với tiềm năng phát triển công nghiệp biển to lớn và gần đây là đô thị Tam Kỳ được định hướng xây dựng thành thủ phủ xanh.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển hệ thống đô thị ven sông, ven biển ở tỉnh Quảng Nam đang đối mặt với không ít thách thức khi địa phương này nằm trong nhóm chịu tổn thương nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong đó, các đô thị ven sông, ven biển là đối tượng chịu tác động trực tiếp.
Hơn 10 năm qua, 7 km bờ biển tại thành phố Hội An đối mặt với tình trạng sạt lở. Vùng lõi của đô thị cổ Hội An đang chịu áp lực lớn bởi quá trình đô thị hóa và phát triển du lịch. Còn tại đô thị Tam Kỳ, cuối năm 2021, hơn 3.000 ngôi nhà ngập trong biển nước đã bộc lộ nhiều bất cập từ quy hoạch đô thị.
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong quá trình phát triển đô thị, thành phố xác định đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn sinh thái, giao lưu văn hóa xã hội cộng đồng, dịch vụ du lịch và không gian dự trữ phát triển.
“Trong quá trình quy hoạch thì tất cả phần diện tích về rừng, một số ruộng lúa ven sông thì chúng tôi đều giữ nguyên hiện trạng để đảm bảo tỷ lệ xanh hóa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ đạt tỷ lệ cao nhất. Đặc biệt, hiện nay hệ sinh thái sông đầm với khoảng 300 ha, chũng tôi sẽ tập trung phục hồi, cải tạo để nó giống như một lá phổi của thành phố” - ông Bùi Ngọc Ảnh nói.
Tỉnh Quảng Nam định hướng phát triển đô thị ven biển, ven sông theo hướng sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh này đang xây dựng nhóm giải pháp quy hoạch không gian, quy hoạch xây dựng và quy hoạch kiến trúc đô thị ven biển, ven sông phù hợp với điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hoá địa phương.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, ít địa phương nào trong khu vực miền Trung sở hữu bờ biển đẹp cùng hệ thống các con sông giàu trầm tích văn hóa và có nhiều dư địa phát triển như tỉnh Quảng Nam. Đó là những giá trị to lớn để Quảng Nam xây dựng quy hoạch xứng tầm trên cơ sở bài học kinh nghiệm của nhiều địa phương khác để có thể ứng phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng khi phát triển đô thị ven sông, ven biển.
Ông Trần Ngọc Chính cho biết thêm: “Tổ chức không gian đô thị biển như thế nào để vừa phù hợp với yêu cầu về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chúng ta phải tính toán kỹ lưỡng để có thể tính đến quy mô các đô thị ven biển như thế nào, xây dựng ở đâu? Chúng ta phải tìm hướng tiếp cận với sông, với biển nhưng cần nhìn nhận vấn đề biến đổi khí hậu một cách thực tiễn nhất để từ đó chúng ta có được quy hoạch hướng đến sự phát triển bền vững và đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho người dân”.
Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục xác định khu vực vùng Đông là vùng động lực, là hạt nhân để triển khai công tác quy hoạch đô thị ven sông, ven biển. Sự phát triển của chuỗi đô thị này góp phần quyết định sự phát triển của toàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, sẽ quy hoạch khu vực đô thị ven sông, ven biển theo hướng phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề để tỉnh Quảng Nam thực hiện Nghị quyết 06 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Vừa đảm bảo cho sự phát triển nội tại của Quảng Nam nhưng cũng vừa tạo sự gợi mở, kết nối với các địa phương lân cận, thậm chí với các nước bạn, không gian phát triển của tỉnh Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung sẽ được mở rộng, sẽ giao lưu hàng hóa và tương hỗ lẫn nhau để tất cả các bên đều được hưởng lợi từ công tác quy hoạch và đầu tư phát triển” - ông Lê Trí Thanh cho biết./.
Theo VOV.VN