Sau khi ghi nhận nửa đầu năm tăng giá mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ, nhà đầu tư đang đổ xô vào mua USD và coi đó là "hầm trú ẩn" để né tránh tác động của việc thị trường chứng khoán lao dốc. Ngoài ra, việc thị trường đặt cược vào khả năng hồi phục của nền kinh tế Mỹ cũng tiếp sức cho đà tăng của đồng USD.
Chỉ số WSJ Dollar Index - theo dõi biến động của đồng USD với rổ 16 loại tiền tệ - đã đạt mức cao nhất 20 năm vào tuần trước và tăng gần 2,5% trong tháng này. Tỷ giá USD/Euro cũng chạm mức cao nhất kể từ năm 2002.
ECB sẽ tăng lãi suất?
Các nhà phân tích Phố Wall (Wall Street) dự đoán đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng. Chuyên gia của Morgan Stanley đã nâng dự báo đối với đồng USD vào tuần trước và hiện ước tính đồng Euro sẽ giao dịch ở mức 97 cent vào cuối tháng 9.
Michael Feroli - nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại JPMorgan cho biết biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) củng cổ niềm tin rằng đồng USD có khả năng tăng giá nhiều hơn. Đầu năm nay, các nhà đầu tư không chắc liệu FED có mạnh tay tăng lãi suất hay không vì động thái này có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Song, biên bản cuộc họp vừa qua lại cho thấy FED sẵn sàng mạnh tay để kiểm soát lạm phát đang tăng nóng.
Sau khi CPI tháng 6 được công bố, nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào cuối tháng này. Điều này có thể thu hút nhà đầu tư tìm đến đồng USD để tìm kiếm lợi nhuận.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, sức mạnh của đồng USD là "con dao hai lưỡi" với người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Đồng USD đắt hơn thúc đẩy hoạt động mua sắm nội địa, nhưng lại ảnh hưởng đến doanh thu của các công ty đa quốc gia.
Đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng đến giá các hàng hóa từ dầu mỏ cho đến đồng vì thường được định giá bằng USD. Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường mới nổi, vốn đang phải gánh những khoản nợ định danh bằng USD.
Các nhà quản lý tài sản đang hướng sự chú ý vào cuộc họp sắp tới của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) để nắm bắt tín hiệu về xu hướng của đồng Euro. Giới phân tích dự đoán ECB sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011.
Hiện tại, ECB vẫn nới lỏng chính sách tiền tệ, không như FED và một số ngân hàng trung ương của các quốc gia khác đang nhanh chóng thắt chặt để hạ nhiệt lạm phát.
Giá Euro lao dốc mạnh trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của căng thẳng Nga – Ukraine, các vấn đề liên quan đến năng lượng và lạm phát. Dữ liệu của Depository Trust & Clearing Corp. cho thấy khối lượng quyền chọn bán tăng lên khi đồng Euro rớt giá nhanh.
Giá USD sắp vượt Euro?
Ngày càng có nhiều nhà phân tích ngoại hối dự báo Euro sẽ giảm sâu đến mức chỉ còn 1 Euro đổi 0,9 USD trong những tháng tới. Euro bị tổn thương trong bối cảnh giới đầu tư lo suy thoái kinh tế có thể xảy ra sau khi giá hàng hóa tăng vọt, gây ra một cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt trên diện rộng. Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ trầm trọng hơn trong những tháng mùa đông sắp tới.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Citigroup dự đoán, đồng tiền chung châu Âu sắp giảm xuống mức 0,9-0,95 USD. Trong khi nhà chiến lược ngoại hối tại Nomura, cho rằng Euro sẽ rớt về mức 0,95 USD vào cuối tháng 8, hoặc thậm chí là 0,9 USD nếu Nga không khởi động lại Nord Stream 1, đường ống chính dẫn khí đốt nước này đến Đức, sau khi thời gian bảo trì kết thúc vào tuần tới.
Kaspar Hense, Giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại BlueBay Asset Management, cũng dự báo Euro sẽ giảm xuống mức 0,95 USD do tăng trưởng kinh tế châu Âu chậm lại.
Rủi ro suy thoái của eurozone đang gia tăng khi giá khí đốt và lạm phát đang ở các mức cao kỷ lục. Ngân hàng Morgan Stanley nhận định khu vực này sẽ rơi vào suy thoái trong quý 4 năm nay. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang trong tình thế nan giản khi vừa phải chống lạm phát tăng cao vừa phải tránh đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái./.
Trần Ngọc/VOV.VN (lược dịch)
Theo WSJ, FT