Giá xăng dầu hạ nhiệt, giá hàng hóa không chịu giảm: Trách nhiệm của ai?

Mặt bằng giá hàng hóa vẫn rất cao cho dù xăng dầu đã giảm sâu, nếu tình trạng này kéo dài, các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ khó phát huy tác dụng.

 

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trước tình trạng khi giá xăng dầu tăng thì các mặt hàng đồng loạt tăng theo, nhưng khi giá xăng dầu giảm sâu, các mặt hàng này vẫn cao ngất. Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/7 sắp tới, giá xăng được dự đoán tiếp tục giảm sâu, nhưng giá hàng hóa sẽ không thay đổi, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tâm lý chung của doanh nghiệp, tư thương, tiểu thương là không bao giờ tự giảm giá hàng hóa nếu không bị bắt buộc. "Trên thực tế, sau hơn một tuần giá xăng giảm mạnh, các mặt hàng thiết yếu như: rau củ quả, gạo, thịt cá, đồ ăn uống vẫn đang đứng ở mức cao và dường như không có ý định giảm”, ông Sinh nói.

Cũng theo ông Sinh, trong tình huống này, vai trò quản lý của Nhà nước là rất quan trọng để kéo giá các mặt hàng thiết yếu xuống, nhằm hạn chế sự ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

“Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tích cực theo dõi, đánh giá, kiểm soát giá các mặt hàng tiêu dùng, qua đó giảm bớt khó khăn cho những người thu nhập thấp. Phải có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn với thị trường lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, có như thế mới giảm được áp lực chi tiêu cho người dân và kiểm soát lạm phát”, ông Sinh nói.

Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - cho rằng, tình trạng hàng hóa không chịu giảm giá có trách nhiệm chính thuộc Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). "Tôi theo dõi giá hàng hóa bán lẻ mấy chục năm nay và nhận thấy giá có thể lên 3 bậc nhưng khó giảm nửa bậc.Ngoài ra, nếu chúng ta có biện pháp để giảm giá xăng từ sớm thì đã không có cơn sốt giá như hiện nay. Như vậy là hai bộ Tài chính - Công Thương đã lỡ thời cơ giảm giá rồi”, ông Phú nói.

Ông Phú cũng nhận xét, hàng nghìn mặt hàng buôn bán ở các chợ truyền thống hiện đang bị thả nổi, không thể quản lý được bởi đó là mặt hàng tự do, nhiều thì bán rẻ, ít thì bán đắt.

“Hơn 80% hàng tươi sống ở chợ truyền thống chúng ta không quản lý được. Do vậy, muốn quản lý được giá thì các cơ quan chức năng phải chọn việc mà làm dần. Phải chọn những mặt hàng thiết yếu để bình ổn, phải làm cho bằng được. Ví dụ ở Malaysia người ta chọn thịt gà để đưa ra mức giá trần. Trong lúc cấp bách thì phải có những biện pháp cấp bách. Điều này trong Luật giá của chúng ta cũng cho phép, muốn làm được thì quản lý thị trường phải làm thực sự chứ không thể rong chơi, phạt vạ mãi được”, ông Phú nói.

Hàng nghìn mặt hàng buôn bán ở các chợ truyền thống hiện đang bị thả nổi

Ông Phú đề xuất, tại thời điểm hiện nay, chúng ta nên chọn những mặt hàng có biến động mạnh để đưa ra mức giá trần như xăng dầu, sách giáo khoa, thịt lợn, thịt bò…

Mức giá trần là cây gậy để chúng ta kiểm soát giá, nhất là những mặt hàng đột biến giá mạnh, đột biến một cách vô lý. Nếu giá các mặt hàng tăng lên 30% thì phải kiểm soát. Giá trần ở đây phải được áp dụng một cách linh hoạt tại thời điểm nhất định chứ không đặt trần mãi, khi giá đã ổn định thì phải dỡ trần để hàng hóa được lưu thông bình thường. Chúng ta theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự quản lý của nhà nước, khi nào giá tăng đột biến và vô lý thì có quyền yêu cầu kê khai. Có quy định rồi nhưng chúng ta có làm hay không thôi, có làm một cách nghiêm túc hay không. Hiện chúng ta có ra giá trần để kiểm soát, quản lý giá đâu?”, ông Phú nêu.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng, giá hàng loạt mặt hàng tăng mạnh thời gian vừa qua là quy luật cung cầu của thị trường. Theo đó, các mặt hàng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tăng giá như nhân công, xăng dầu, logistic kéo hàng hóa đắt đỏ lên là điều dễ.

“Tuy nhiên, chúng ta đã có hai bộ quản lý giá gồm Bộ Công Thương với Tổng cục quản lý thị trường và Bộ Tài chính với Cục Quản lý giá. Họ phải xem giá xăng dầu, giá cả đầu vào tăng bao nhiêu, tác động tới giá thành thế nào. Từ cơ sở đó thì mới tính toán giá bán tăng như thế nào. Ngoài ra, khi xăng dầu giảm thì cần có độ trễ nhất định để hàng hóa điều chỉnh giá, theo chu trình sản xuất thì phải ít nhất 1 tháng. Nếu hàng hóa không giảm thì hai đơn vị quản lý này phải vào cuộc”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang tiếp tục theo dõi kỳ điều chỉnh giá xăng trong ngày 21/7 tới để có động thái điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ.

Tuy nhiên, ông Thịnh thừa nhận, các mặt hàng tự do hiện đang không theo quy luật này vì người kinh doanh càng giữ được giá cao thì lợi nhuận càng cao. "Chính vì thế, đã đến lúc cần sự vào cuộc của Tổng cục quản lý thị trường và Cục Quản lý giá, nếu các mặt hàng có điều kiện giảm giá mà vẫn bảo thủ không chiụ điều chỉnh”, ông Thịnh nói.

PHẠM DUY/VTC.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận