Khánh Hòa dồn sức triển khai 3 tuyến cao tốc qua địa bàn

  • 20/07/2022 03:27:35
  • Thái Bình
  • Kinh tế
  • 0

Khánh Hòa tập trung di dời các công trình hạ tầng, xây dựng các khu tái định cư, đảm bảo vật liệu thi công… nhằm bảo đảm tiến độ của 3 dự án đường bộ cao tốc.

 

Hiện nay, cùng một lúc, tỉnh Khánh Hòa khẩn trương triển khai 3 tuyến cao tốc, công trình trọng điểm quốc gia qua địa bàn. Những tháng qua, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa liên tục tổ chức các cuộc họp, đi cơ sở kiểm tra thực tế, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện đúng tiến độ đề ra. Những giải pháp được tỉnh Khánh Hòa tập trung thực hiện là di dời các công trình hạ tầng, xây dựng các khu tái định cư, đảm bảo vật liệu thi công… nhằm bảo đảm tiến độ của 3 dự án đường bộ cao tốc.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa tỉnh Khánh Hòa có 3 tuyến đường bộ cao tốc để kết nối liên vùng. Đó là, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 138 km, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột dài hơn 117km và cao tốc Nha Trang - Liên Khương dài 85km. Trong đó, 2 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột triển khai thi công trong giai đoạn trước năm 2030, còn Dự án cao tốc Nha Trang - Liên Khương sẽ đầu tư sau năm 2030.

Hiện nay, dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đang thi công 2 dự án thành phần là Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự kiến sẽ khai thác vào tháng 9/2023. Sau 10 tháng hối hả triển khai với hơn 1.000 công nhân, 500 thiết bị, đến nay, dự án Nha Trang - Cam Lâm đã thảm nhựa được 5km đầu tiên, mặt đường rộng 17m, quy mô 4 làn xe.

Công nhân đang thi công hạng mục cầu dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cho biết, với tiến độ như hiện nay thì dự án sẽ hoàn thành trước 3 tháng so với kế hoạch đặt ra. “Mùa khô này ưu tiên cho phần thảm để đẩy nhanh tiến độ, đến mùa mưa cốt liệu nó ướt không thể thảm được. Nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ để thảm trong mùa khô này. Nhà thầu đang kiểm soát tốt, phần nguyên vật liệu đã làm kỹ từ dưới lên rồi. Dự án đi qua đoạn nào thì thảm xong đoạn đó luôn và làm các hạ tầng tiếp theo để kịp tiến độ”, ông Huy nói.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vân Phong - Nha Trang có chiều dài 84km, nằm hoàn toàn trên địa phận tỉnh Khánh Hòa sẽ khởi công trước tháng 12 năm nay. Các địa phương thuộc tỉnh Khánh Hòa đang kiện toàn Hội đồng bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Cấp ủy các cấp đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện dự án đường bộ cao tốc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cố gắng đến ngày 20/11 năm nay bàn giao 70% mặt bằng, đến ngày 30/3/2023 bàn giao 100% mặt bằng.

Vừa qua, Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Các đơn vị đang triển khai khảo sát thiết kế tại hiện trường để trình thiết kế kỹ thuật trước ngày 30/9 năm nay. Ban Quản lý dự án 7, Bộ GTVT đã hoàn thành bàn giao cọc cho các địa phương.

Ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 7, đơn vị chủ đầu tư dự án thành phần Vân Phong - Nha Trang cho biết, việc bàn giao toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương đang được triển khai, đảm bảo dự án Vân Phong - Nha Trang đáp ứng được tiến độ. “Bên tư vấn đã khảo sát 16 mỏ với khối lượng khoảng 10,1 triệu khối, vật liệu cát, đá trữ lượng đều đảm bảo so với nhu cầu. Riêng về vị trí bãi đổ thải đã khảo sát 13 vị trí, chưa đủ so với nhu cầu của dự án còn thiếu 900.000 m3 nên tư vấn đang tiến hành khảo sát bổ sung”, ông Minh thông tin.

Đối với dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm, đến nay các hộ dân đã hoàn tất việc bàn giao mặt bằng nhưng vẫn còn vướng các công trình hạ tầng như đường điện, mỏ đá. Đối với các dự án chuẩn bị triển khai, tỉnh Khánh Hòa là đầu mối thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh đã kiến nghị các cơ quan Trung ương phân công trách nhiệm di dời công trình hạ tầng theo thẩm quyền để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng.

Ông Nguyễn Thành Hiến, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa đề nghị Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang và Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột giao việc GPMB cho các cơ quan chủ quản có quản lý hạ tầng trên địa bàn như đường dây truyền tải, điện trung thế, điện cao thế… để họ chủ động di dời hạ tầng. “Việc này vừa đảm bảo tiến độ vừa dễ xử lý vướng mắc về thủ tục thẩm định thiết kế di dời và thi công”, ông Hiến cho biết.

Theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Khánh Hòa là một cực tăng trưởng, là trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Vì thế, các tuyến đường bộ cao tốc hiện đại, thông suốt có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa cũng như của cả khu vực.

Các nhà thầu đang thi công khẩn trương cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột có diện tích đất phải thu hồi 340 ha đất, 280 hộ dân phải di dời, tái định cư; Dự án Vân Phong - Nha Trang có diện tích đất phải thu hồi hơn 620ha, dự kiến hơn 600 hộ dân phải di dời, tái định cư. Hiện nay, các địa phương có dự án đi qua đang xác định số hộ dân phải bố trí tái định cư, vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, nhanh chóng triển khai dự án. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng theo hình thức chỉ định thầu.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan chỉ định thầu để thực hiện dự án.

“Cần chọn những đơn vị có năng lực để thi công. Rút kinh nghiệm đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo cả về vấn đề đất, cát san lấp. Tất cả các nguồn nguyên vật, liệu chỉ giao cho nhà thầu hoặc chủ đầu tư. Xác định là tất cả phải thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng về đất để làm nguyên vật liệu”, ông Tuân nêu rõ./.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

 

Bình luận

    Chưa có bình luận